Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình trao Bằng chứng nhận "Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng "Bàu Trúc" cho đại diện làng Chăm Bàu Trúc. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình nhấn mạnh: Việc công nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc người Chăm, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của di sản phi vật thể. Đây cũng là cơ hội để huyện Ninh Phước nói riêng và Ninh Thuận nói chung quảng bá những hình ảnh du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần tạo nên một trong những chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu thu hút du khách đến với Ninh Thuận.
Biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN |
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa Chăm độc đáo và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân làng nghề tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xem đây không những là tiềm năng, lợi thế mà còn là tiền đề, động lực để phát triển làng nghề nói riêng và kinh tế - xã hội địa phương. UBND huyện Ninh Phước cần có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bảo đảm đạt hiệu quả.
|
Biểu diễn nghệ thuật chế tác gốm của các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Châu Thanh Hải cho biết: Nét độc đáo của nghề làm gốm Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao “Nắn bằng tay không bàn xoay”. Người phụ nữ Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm có hồn với mẫu mã phong phú và đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh và tín ngưỡng, tôn giáo với dòng sản phẩm truyền thống (như thạp đựng nước, nồi nấu cơm, lò nấu bằng củi và bằng than, khoang đựng gạo, bắp, tượng thần Apsara, tượng thần Siva, mô hình tháp...) vừa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với dòng sản phẩm mỹ nghệ (như bình phong thủy, bình đựng hoa và trang trí, phù điêu, đèn trang trí, 12 con giáp…).
Khách tham quan sản phẩm gốm tại tại nhà trưng bày sản phẩm làng nghề Bàu Trúc. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN |
Gốm được nung lộ thiên bằng rơm, bằng củi trên một bãi đất trống nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng, tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Việc công nhận “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" mới chỉ là ghi nhận bước đầu để tỉnh có kế hoạch, giải pháp cụ thể bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa Chăm độc đáo và làng nghề truyền thống gốm Chăm Bàu Trúc. Làng Bàu Trúc hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm 70% số hộ đồng bào Chăm trong làng.
Đức Ánh