Đầm lậy đồng cỏ ngập nước theo mùa lẫn tràm. (Ảnh: WWF-Việt Nam cung cấp) |
Cháy rừng xảy ra năm 2002 đã tàn phá và làm suy thoái nhiều rừng tràm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng. Tiếp theo là phương án giữ nước ngập sâu để phòng cháy chữa cháy rừng kéo dài nhiều năm đã làm biến đổi đáng kể sự phát triển tự nhiên của rừng tràm, kéo theo giảm tính đa dạng sinh học của các loài khác.
Trước tình hình thực tế trên, Vườn quốc gia U Minh Thượng tiếp tục nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học. Các nhà khoa học và nhà quản lý đã thống nhất phương án quản lý nước mới cho phép giảm mực nước trong vùng lõi Vườn quốc gia để đảm bảo sự phát triển bình thường của rừng tràm và đáp ứng mục tiêu phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết: Sau khi thay đổi phương án quản lý nước vào năm 2010, hệ sinh thái rừng tràm đã được phục hồi và đa dạng sinh học rừng tràm đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Đến nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế và triển khai khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 550 ha; chăm sóc rừng trồng lần 2, năm thứ nhất 90 ha; năm thứ ba là 220 ha; khu căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang 1,1 ha và chăm sóc cây phân tán các tuyến kênh đã trồng năm 2015; triển khai trồng thêm 350 ha rừng.
Bên cạnh đó, Vườn triển khai mở cống điều tiết nước đảm bảo cho rừng sinh trưởng và phát triển, đóng cống giữ nước duy trì độ ẩm cho rừng trong suốt mùa khô năm 2016 - 2017. Vườn quốc gia U Minh Thượng tiếp tục triển khai lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học, điều tra lập danh mục các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm. Vườn đóng các cống đập trong vùng lõi để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng, vừa đảm bảo cho rừng tràm phát triển cũng như công tác trồng rừng năm 2016. Cùng với đó, Vườn hoàn thiện kế hoạch bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng sinh học năm 2017; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, điều tra, giám sát đa dạng sinh học năm 2017, làm cơ sở khoa học cho bảo tồn nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi tài nguyên rừng, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tăng độ che phủ rừng.
Để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học thời gian tới, Vườn quốc gia U Minh Thượng tiếp tục hoàn thành trồng 399,33 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 550 ha; chăm sóc rừng trồng năm thứ nhất là 90 ha, năm thứ hai 220 ha; chăm sóc 310 ha lần 2; khoanh nuôi súc tiến tái sinh có trồng bổ sung 50 ha; chăm sóc 22,3 ha cây phân tán; chăm sóc 19,89 ha tre gai; trồng cây phân tán 25,2 ha.
Tiếp đó là hoàn thành lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học Vườn quốc gia U Minh Thượng theo quy định của luật đa dạng sinh học. Vườn tiếp tục điều tra khảo sát, đánh giá lập danh lục các loài sinh vật quý hiếm cần bảo tồn; hoàn thành việc gieo ươm, trồng 4.000 cây bản địa tại những khu rừng trên đất than bùn đã bị suy thoái; triển khai kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài thực vật ngoại lai xâm hại…