Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao chưa phát huy hiệu quả?

Cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão vừa qua đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm đối với lĩnh vực này lại rất ít, việc triển khai thực vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

vna_potal_thai_binh_khoi_phuc_san_xuat_nong_nghiep_sau_bao_7598905 (1).jpg
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến 164 ha diện tích rau màu của xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ bị thiệt hại từ 80-100%. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại của ngành nông nghiệp do ảnh hưởng bão số 3, thống kê đến 12h00 ngày 16/9/2024 có 200.721 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết.

Nằm trong số các hộ dân bị ảnh hưởng, anh Nguyễn Văn Bộ, thôn Minh Châu xã Đông Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình) chia sẻ, gia đình anh trồng 11 sào lúa dự kiến thu hoạch vào tháng 10 nhưng ảnh hưởng của bão nên toàn bộ diện tích này đã bị mất khoảng 70%, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình anh cũng không mua bảo hiểm nông nghiệp, nên khi rủi ro xảy ra phải chấp nhận.

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết chính sách về bảo hiểm nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Theo thống kê, hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất. Thế nhưng, phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất ít trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ dù được khởi động từ sớm năm 1982.

Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 2011 - 2013, thông qua 2 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo Việt và Bảo Minh. Theo đó, phí bảo hiểm được trợ cấp bởi chính phủ là 100% cho các hộ nghèo, 80% cho các hộ cận nghèo; 60% cho các hộ khác và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định kéo dài thời gian thí điểm đến ngày 30/6/2014, mức trợ cấp cho các hộ nông nghiệp cận nghèo tăng tới 90%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình chưa được như mong đợi do nhiều bệnh dịch phổ biến không được bảo hiểm, quy trình xử lý các hồ sơ còn phức tạp và thanh toán cho thiệt hại chưa đủ cao.

Năm 2018, Chính phủ tái khởi động lại chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp, và ngay đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu sửa quy định về bảo hiểm nông nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn gặp một số khó khăn như phục vụ đối tượng khách hàng là người nông dân, chiếm 70% dân số Việt Nam, nhận thức của người nông dân về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại.

Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân; đặc thù của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mang tính thời vụ. Đặc biệt, do thu nhập không ổn định nên người nông dân khó đáp ứng về tài chính cho nhu cầu bảo hiểm.

Anh Nguyễn Văn Bộ cho biết, xã có tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp tuy nhiên do thu nhập không cao nên đa phần đều không mua.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh nêu thực tế, việc chào bán sản phẩm khó khăn do nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, tâm lý chung của nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra phải được bồi thường. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường. Ngoài ra, việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại phải mất nhiều thời gian cũng khiến bên mua ngại.

Để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng cần có sự tham gia, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Người nông dân thường có thu nhập rất thấp nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.

Thùy Dương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm