Bảo đảm an ninh lương thực khi giảm đất lúa

Bảo đảm an ninh lương thực khi giảm đất lúa
Giảm diện tích đất trồng lúa
Theo tờ trình của Chính phủ, quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa khoảng 3,812 triệu ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 3,221 triệu ha. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3,760 triệu ha, giảm khoảng 52.000 ha.
Theo bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, đề nghị này của Chính phủ dựa trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống của người nông dân và an ninh lương thực quốc gia. Điều này có tính đến cả việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất. Do đó, đất trồng lúa cả nước có thể giảm xuống còn 3,760 triệu ha.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (thành phố Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại phiên họp buổi chiều 21/3. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (thành phố Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại phiên họp buổi chiều 21/3. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Việc giảm diện tích đất trồng lúa là để chuyển mục đích cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ nhất là giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và để các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Diện tích giảm tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong 3,760 triệu ha đất trồng lúa có 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Nhưng diện tích ấy phải được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết.
 
Chuyển đổi đất thường xuyên bị hạn, mặn
Báo cáo thẩm tra phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp do một số quốc gia là bạn hàng truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam dần tự chủ được sản xuất lương thực. “Diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích đất bị giảm là diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa, sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác nhất là chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Theo đó, việc giảm diện tích đất trồng lúa sẽ được thực hiện tại các vùng như: Vùng đồng bằng sông Hồng giảm khoảng 19.000 ha tập trung tại các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung giảm khoảng 16.000 ha tập trung tại các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Vùng Đông Nam Bộ giảm khoảng 21.000 ha tập trung tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 36.000 ha tập trung tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…
Với diện tích 400.000 ha đất lúa chuyển sang trồng các loại cây hàng năm chủ yếu như sau: ngô khoảng 150.000 ha, đậu tương, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 80.000 ha; trồng rau, hoa, cây cảnh khoảng 110.000 ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 50.000 ha… Diện tích chuyển đổi tại các vùng: Vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 200.000 ha tập trung tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 80.000 ha tập trung tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình… Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khoảng 90.000 ha tập trung tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Vùng Đông Nam Bộ khoảng 30.000 ha tập trung tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phần diện tích chuyển đổi phần lớn là diện tích thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, với diện tích đất trồng lúa là 3,760 triệu ha, khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích gieo trồng lúa dự kiến đạt trên 7 triệu ha, năng suất lúa bình quân hàng năm khoảng 60 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm. Với sản lượng này sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Có thể bạn quan tâm