Bánh chưng của làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) được gói bằng tay nhưng rất vuông vắn và đẹp mắt. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Món bánh của Tổ tiên
Theo truyền thuyết, sau khi dẹp yên giặc Ân, Vua Hùng thứ 6 muốn tìm người để truyền ngôi báu nên lệnh cho các con tìm lễ vật đặc biệt dâng lên để chọn lựa. Lang Liêu là con thứ 18, tính tình thuận hậu, chí hiếu, được một vị thần chỉ dẫn cách làm ra bánh chưng, bánh dày để dâng vua. Lang Liêu dùng những nguyên liệu từ đồng ruộng và cuộc sống hằng ngày để làm nên bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Nhờ đó, Lang Liêu được truyền ngôi báu và lễ vật của Lang Liêu trở thành món bánh truyền thống của dân tộc, được lưu truyền đến ngày nay.
Song hành cùng lịch sử dân tộc, bánh chưng đã trở thành linh hồn của ngày Tết ở Bắc Bộ, cũng như món bánh Tét ở miền Nam. Nhìn chung, hai loại bánh này là như nhau, chỉ khác nhau về hình thức bên ngoài và một chút nguyên liệu tùy theo khẩu vị vùng miền. Trong cả ngàn năm đồng hóa, người Việt vẫn giữ trọn nếp nhà. Bánh chưng vẫn đi qua những mùa Tết để gắn bó tình cảm gia đình, làng xóm bền chặt hơn.
Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm của người Việt xưa về vũ trụ và hội tụ những tinh hoa của đất Việt trong một món ăn giản dị, thân thuộc. Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong... Gạo nếp chọn loại gạo ngon, to tròn, trắng phau, vo sạch để ráo nước, từng hạt chắc mẩy thơm ngát. Thịt lợn đầy đủ nạc, mỡ, bì cùng với đỗ xanh bỏ vỏ. Tất cả đều là những sản phẩm có được từ công việc trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa. Đơn giản như thế, nhưng chiếc bánh thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa, từ trong ra ngoài thể hiện triết lý: Âm dương, Tam tài và Ngũ hành.
Cắt chiếc bánh chưng, một tổng thể màu sắc hiện lên tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông, tương sinh-tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức: Vàng ngà hạt đỗ (Thổ), bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín (Hỏa), trắng màu nếp mới (Kim), xanh mát lá dong (Mộc); ngoài cùng là những chiếc lạt được nhuộm đen bởi lá dong luộc chín (Thủy). Hạt đỗ màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông, được bao bọc nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người ở vị trí quan trọng nhất, là trung tâm của trời đất trong Ngũ hành.
Bên cạnh biểu tượng về Ngũ hành, hai cặp phạm trù âm dương cũng được thể hiện hòa quyện trong gói bánh, như: hạt đỗ-thịt lợn; động vật-thực vật; tĩnh-động… cùng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Bao bọc quanh đó là màu trắng của nếp tạo thành Tam tài: Nếp-hạt đỗ-thịt lợn là âm-dương-âm, hay thực vật-động vật-thực vật… Tam tài với ba cặp phạm trù âm dương (nếp-thịt lợn, hạt đỗ-thịt lợn, nếp-hạt đỗ) hòa quyện và bổ trợ cho nhau trong tổng thể phức hợp. Và từ âm dương, Tam tài đã phát triển lên Ngũ hành.
Ngay cả quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý Ngũ hành của người xưa: Người ta dùng nước để luộc bánh (Thủy), lửa (Hỏa) được đốt từ củi (Mộc) và tất nhiên dùng nồi lớn (Kim) đặt lên ba ông đầu rau (Thổ). Năm thứ đó bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau để cùng tạo nên chiếc bánh hoàn hảo cuối cùng.
Một điều cũng hết sức đặc biệt của bánh chưng là thời gian luộc bánh lên tới 10-12 tiếng đồng hồ, đủ lâu để tất cả nguyên liệu trong bánh hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất. Chưa hết. Sau rất nhiều thời gian, công sức để nấu bánh, khi lấy bánh ra còn nóng hổi, người ta phải rửa sạch nhớt và nén chặt lại trong vài tiếng để bánh được ráo nước, rền bánh và phẳng đều. Để ngay đêm giao thừa, những cặp bánh đẹp nhất, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành để bày bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Có chiếc bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...
Trên mâm cỗ, nhìn thấy bánh chưng, mỗi người đều bồi hồi như thấy lại những vất vả của cha ông làm nên hạt lúa hạt gạo, thấy niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ và thấm thía cái tinh túy giản dị của hồn Việt mỗi độ Tết đến, xuân về.
Đậm đà nét văn hóa dân tộc
Ngày nay, ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, tục nấu bánh chưng ngày Tết dường như chỉ còn là một nghi thức. Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà, các chị tất bật những ngày giáp Tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo, đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Giờ đây, bánh chưng được bày bán quanh năm tại các siêu thị, cửa hàng, trở thành món ăn dễ có. Mỗi nhà có thể đặt làm hay mua sẵn dăm cặp bánh chưng là đã sẵn sàng cho mâm cỗ Tết.
Nhưng dù thời gian có biến chuyển, cuộc sống có đổi thay, thói quen sinh hoạt có khác, thì chiếc bánh chưng vẫn thế, vẫn vẹn nguyên từ dáng hình cho đến nguyên liệu. Chiếc bánh không chỉ nhắc nhớ mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp. Không chỉ những người con sống trên đất Việt mới nhớ bánh chưng, mà những người con nơi xứ người xa xôi cũng nhớ bánh chưng da diết. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết. Người ta nhớ Tết như nhớ về màu bánh Tổ tiên. Bánh chưng ấy, thứ bánh dân tộc giản dị mà yêu thương của tết Việt, nó không chỉ là món ẩm thực ngày tết mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh, được ví như là một món quà của Tổ tiên người Việt truyền lại, trở thành linh hồn của ngày Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.
Thu Hạnh