Theo ông Đỗ Huy Long, điển hình tại điều 8 về vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn; trong đó tội làm lây lan dịch bệnh có thể chuyển sang khởi tố hình sự. Hay hành vi sản xuất, buôn bán thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam cũng có thể sẽ chuyển sang hình sự. Về giết mổ đông vật, nếu giết mổ động vật có sử dụng thuốc an thần bên cạnh việc tăng mức xử phạt hành chính thì vật nuôi sẽ bị tiêu hủy thay vì tạm dừng giết mổ động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ cho đến khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, với vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng khi gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Hay phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên. Nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỗi loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên… Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020. Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả.
Bích Hồng