Ngày 10/6, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện các dự án trồng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các dự án.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 11 dự án trồng mắc ca của 10 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô dự kiến trồng hơn 70.000 ha, tổng mức đầu tư hơn 12.300 tỷ đồng.
Các dự án trồng mắc ca được tỉnh Điện Biên triển khai trên địa bàn hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến tháng 6/2022, tỉnh Điện Biên đã trồng được gần 3.500 ha cây mắc ca; trong đó, diện tích thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 là 328 ha, đạt 5% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Điện Biên, tiến độ thực hiện của hầu hết các dự án hiện đang rất chậm so với cam kết của nhà đầu tư. Cùng đó, việc đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, chuẩn bị hiện trường, cây giống để tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây mắc ca của đa số các dự án trên địa bàn huyện đang rất chậm, khó có khả năng hoàn thành đảm bảo kế hoạch trồng năm 2022.
Ngoài ra, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến hình thức liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án để thực hiện theo phương thức hợp đồng liên kết dẫn đến hiện nay chưa có nhà đầu tư xây dựng được nội dung, cơ chế hợp tác, liên kết với người dân.
Tại cuộc họp, chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trồng mắc ca trên địa bàn; trong đó, nhiều dự án vẫn còn vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai.
Theo đó, việc tuyên truyền, vận động người dân tổ chức đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án cũng như tham gia dự án hiện nay còn gặp nhiều khó khăn; quá trình thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, thực hiện các thủ tục về đất đai mất nhiều thời gian, thường xuyên gặp phải những vướng mắc ảnh hưởng đến việc huy động vốn của nhà đầu tư; nhiều người dân chưa đồng thuận với mức hỗ trợ khai hoang, tình trạng tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng cho việc đo đạc, quy chủ.
Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn còn gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thực hiện liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án; tại một số địa phương việc phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tuyên truyền của một số chính quyền cấp xã chưa thực sự tốt.
Ngoài ra, các tổ giúp việc chưa thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các tổ giúp việc tăng cường kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình, tiến độ thực hiện các dự án trồng mắc ca để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư và các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.
UBND các huyện, thành phố cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng cây mắc ca trong quá trình tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về giá trị của cây mắc ca, định hướng về cơ chế, chính sách của tỉnh và lợi ích khi tham gia các dự án; chỉ đạo các xã trong vùng dự án trồng mắc ca thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện công tác phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp.
Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai; thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Riêng các doanh nghiệp cần huy động tối đa nguồn lực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đã cam kết; chủ động, tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.
Xuân Tư