Kỳ vọng mắc ca

Kỳ vọng mắc ca
Một trong những vườn mắc ca cho hiệu quả cao nhất hiện nay ở Lâm Đồng là vườn hộ gia đình ông Nguyễn Đức Ba, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). 5 năm trước, cháu của ông Ba mang giống mắc ca từ đảo Hawaii (Mỹ) về trồng thử trên diện tích 7 sào đất với 300 cây. Sau vài năm, ngay mùa thu hoạch đầu tiên, toàn bộ cây trong vườn đều cho trái, ông thu được 2 tấn hạt, doanh thu hơn 400 triệu đồng. Hiện tại, vườn cây mắc ca của ông Ba vẫn cho quả quanh năm, mỗi quả nặng từ 250 - 500 gram, cao gấp đôi đến gấp 3 lần so với mắc ca ở những nơi khác và loại cây trồng này đã là cây trồng chính và làm giàu của gia đình ông.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài trường hợp ông Nguyễn Đức Ba, tại Lâm Đồng đã có hàng trăm hộ dân thành công với cây mắc ca. Chủ yếu người dân tự phát đưa mắc ca từ nơi khác về trồng xen trong vườn cà phê. Riêng tại huyện Lâm Hà, cây mắc ca đã được trồng gần 100ha, lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. 

Tại đây, nhiều nông dân từ chỗ trồng thử đã rất thành công và làm giàu bằng cây mắc ca như trường hợp ông Nguyễn Hữu Việt, thôn Phú Thọ 2, xã Tân Hà ( huyện Lâm Hà). Gia đình ông Việt từ chỗ trồng thử cây mắc ca xen cà phê, đến nay đã thu từ mắc ca mỗi năm hơn 400 triệu đồng, cao hơn thu từ cà phê. Hay những trường hợp như ông Lương Nhiêm, xã Phi Liêng, ông Trần Phúc Nguyên, xã Đạ K’nàng (huyện Đam Rông)… 

Điểm chung của những hộ nông dân này là tự phát mang mắc ca về trồng cách đây khoảng 7 - 8 năm và hiện loại cây này đều đã trở thành nguồn thu nhập chính. Thông thường mỗi cây mắc ca sau 5 năm trồng cho sản lượng khoảng 7 kg hạt/năm, nhưng có trường hợp trong vườn của ông Ba có cây cho sản lượng lên tới 50 kg hạt. 

Tuy nhiên, người “máu” với mắc ca nhất có lẽ là ông Trần Vinh (thành phố Đà Lạt). Ông Vinh đã quyết định đặt tất cả kỳ vọng của mình vào cây mắc ca, ông gom hết tài sản trồng 200 ha mắc ca nằm sâu trong rừng thuộc xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt). Nhiều người dân Lâm Đồng hiện nay cũng kỳ vọng vào loại cây làm giàu này như ông Vinh. Ngoài những trường hợp mua giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng dẫn đến cây không cho quả, thì tất cả những vườn mắc ca cho quả đều mang đến sự sung túc cho chủ nhân của nó. Hiện tại, giá nhân hạt mắc ca loại một lên tới 1,5 triệu đồng/kg và nhu cầu của thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu đều còn rất lớn. 

Không chỉ có người dân kỳ vọng vào cây mắc ca mà UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đặt nhiều kỳ vọng vào loại cây trồng này. Tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp cùng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - LienViet Post Bank), Công ty cổ phần Him Lam, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam - Vinamacca đang gấp rút triển khai chương trình phát triển cây mắc ca tại Lâm Đồng. Các đơn vị này đã quyết định dành gói ưu đãi lên tới 11.000 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân trồng và chế biến mắc ca; trong đó, 10.000 tỉ đồng dành để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, thời gian cho vay 10 năm và ân hạn 5 năm. Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng trong 5 năm tới là phát triển 4.000 ha mắc ca và có thể mở rộng lên đến 70.000 ha trồng xem với cà phê. Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh tỉnh Lâm Đồng bà Lê Thị Kim Anh khẳng định: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là ngân hàng duy nhất hiện nay có gói hỗ trợ tín dụng riêng cho cây mắc ca Lâm Đồng kỳ vọng vào mắc ca là hoàn toàn có thể hiểu được. Mắc ca hiện đang được xem là “nữ hoàng của các loại hạt” với tỷ lệ hạt nhân chiếm 3 - 50% trọng lượng quả; tỷ lệ bên trong nhân mắc ca là 71 - 80% tinh dầu, 4% đường và rất nhiều các dưỡng chất protein, carbohydrates, kali, canxi, sodium, sắt, kẽm… với hơn 80% trong số đó là chất béo chưa bão hòa, không chứa cholesterol nên rất tốt cho sức khỏe, tim mạch… 

Hơn nữa, Lâm Đồng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho trồng mắc ca. Mắc ca tại Lâm Đồng cho trái quanh năm chứ không theo mùa, cứ thu hoạch xong thì cây lại ra hoa, đậu quả. Ông Huỳnh Văn Trí, thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, từng có thời gian dài làm việc tại Australia trong lĩnh vực mắc ca. Năm 2012, ông về nước và đưa đoàn chuyên gia Australia sang khảo sát vùng đất đỏ bazan tại khu vực Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và đã quyết định phát triển 1.500 ha mắc ca tại đây. Ông Trí cũng nhận định: "Australia là quê hương của mắc ca, người dân ở nhiều nước trên thế giới rất thích ăn mắc ca. Nhưng tôi cũng phải ngạc nhiên về điều kiện tự nhiên tại Lâm Đồng quá phù hợp với mắc ca". 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại diện Hiệp hội Mắc ca Australia, ông Jolyon Richard Burnet cho biết, tại Australia đã có 19.000 ha mắc ca nhưng thời gian trồng cho đến lúc có quả dài hơn ở Việt Nam. Tại Lâm Đồng đất đai tốt hơn, hạt mắc ca cũng có chất lượng cao, thơm ngon hơn. Hiện tại, mắc ca là loại cây trồng mới tại Lâm Đồng nên chưa có nhiều loại bệnh hại, nhưng tỉnh Lâm Đồng cần có định hướng thật tốt cho loại cây này. 

Công ty cổ phần Him Lam đã đầu tư xây dựng 2 vườn cây giống mắc ca đầu dòng tại huyện Đơn Dương và Lâm Hà có khả năng cung ứng 2 triệu cây mắc ca ghép cho nông dân mỗi năm. Các địa phương được quy hoạch trồng cây mắc ca tại Lâm Đồng là các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đơn Dương, Di Linh và thành phố Bảo Lộc. Mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng có 4.000 ha mắc ca; đến năm 2030 diện tích mắc ca từ 12.000 – 15.000 ha và có thể tăng lên sau đó. Lâm Đồng đang được kỳ vọng là “thủ phủ” của cây mắc ca cả nước, trong đó hạt nhân chính là huyện Lâm Hà./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm