Bàn giải pháp chuyển giao khoa học - công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Thái Nguyên

Ngày 9/7, tại tỉnh Thái Nguyên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Đánh giá cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên”.

ThaiNguyenchuyengiaokhoahoc.jpg
Đại biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: baothainguyen.vn

Những năm qua, việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Thái Nguyên đa dạng về loại hình, cấp độ; tăng trưởng về quy mô và mở rộng về địa bàn, tạo ra hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực này. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp một số khó khăn vướng mắc. Việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; lựa chọn nội dung triển khai tại khu vực này còn chưa sát với thực tế. Nguồn lực đầu tư hạn hẹp; khả năng và trình độ tiếp nhận của người dân không đáp ứng được yêu cầu của các dự án khoa học, hiệu quả chưa cao. Hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số lạc hậu, địa hình khó tiếp cận, đặc biệt là việc chuyển đổi số cho vùng...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng việc chuyển giao khoa học - công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay. Đồng thời, đề cập đến những tồn tại và bất cập của hệ thống chính sách trong vấn đề này; nêu giải pháp để hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học - công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thái Nguyên…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh việc cần triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc khác. Đồng thời tập trung đúng mục tiêu, tránh dàn trải, chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh sáng chế, kinh phí phù hợp với nhu cầu, tập quán dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng; phát huy được những nhân tố tiên tiến, nòng cốt trong từng vùng đồng bào dân tộc, từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn...

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Vân, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại khu vực dân tộc thiểu số miền núi nhằm hình thành các mô hình chuyển giao và tiếp nhận tại địa phương, tạo sức hút “giữ người”, nhất là những người trong độ tuổi lao động, đã qua đào tạo bài bản… Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có chính sách đặc thù để các nhà khoa học tập trung đầu tư nghiên cứu mô hình cây, con giống phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Giai đoạn 2021 – 2024, nhiều dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ, dự án cấp tỉnh đã được triển khai tại Thái Nguyên. Các dự án đã hỗ trợ người dân nắm bắt công nghệ, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Có thể kể đến việc xây dựng mô hình chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch; ứng dụng kỹ thuật trồng thâm canh một số loại cây dược liệu theo hướng hữu cơ; xây dựng mô hình sản xuất giống. Ngoài ra còn có mô hình nuôi trồng và sơ chế các sản phẩm đông trùng hạ thảo; ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất trồng chè tại Thái Nguyên và vùng lân cận... mang lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Quân Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm