Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức ứng trực 24/24

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức ứng trực 24/24

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 28/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức ứng trực 24/24 ảnh 1 Sáng 27/1/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID19 chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các địa phương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, số ca bệnh nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm sâu (tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc giảm từ 2,4% xuống còn 1,2%). Các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và phát triển. Kết quả trên có được là do các nguyên nhân chủ yếu: Có sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua 2 năm phòng, chống dịch, chúng ta đã dần hình thành, hoàn chỉnh hệ thống nguyên lý và các biện pháp phòng, chống dịch khoa học, phù hợp, sát thực tế, hiệu quả, trong đó đã xác định đúng đắn 3 trụ cột (cách ly - xét nghiệm - điều trị), công thức "5K + vaccine, thuốc đặc trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp khác", đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá. Đặc biệt, đã thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả chiến lược vaccine (thành lập Quỹ vaccine, thực hiện ngoại giao vaccine và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước đến nay).

Dự báo, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là do chủng mới Omicron có khả năng lây lan nhanh và có thể xuất hiện thêm các biến thể mới. Do vậy, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không được tự thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải luôn đề cao cảnh giác, bám sát tình hình, dự báo tốt, có các phương án, kịch bản bảo đảm khoa học, phù hợp, hợp lý, hiệu quả và chuẩn bị sẵn sàng, tích cực ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, cấp trên kiểm tra cấp dưới việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tổ chức ứng trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thông suốt, kịp thời.

* Thực hiện Chiến dịch tiêm chủng thần tốc vaccine mùa Xuân xuyên Tết

Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch 2022-2023; tiếp tục sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn chỉnh các nguyên lý, công thức phòng, chống dịch đã có; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình xác định cấp độ dịch và theo đó là các biện pháp phòng, chống dịch; ban hành kế hoạch đặc biệt tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng thần tốc vaccine mùa Xuân năm 2022 xuyên Tết.

Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vaccine. Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn khẩn trương, an toàn, khoa học, hiệu quả.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ, phân bổ kịp thời vaccine cho các địa phương, đơn vị, nhất là phục vụ cho Chiến dịch tiêm chủng thần tốc vaccine mùa Xuân 2022.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế: Chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu; Hướng dẫn, thực hiện các thủ tục hành chính trong thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, sản xuất, cấp phép lưu hành thuốc điều trị COVID-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, khoa học, hiệu quả và đúng quy định pháp luật; Tiếp tục thúc đẩy quyết liệt hơn nữa việc thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước để ngày càng chủ động hơn.

* Thực hiện đa mục tiêu

Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao, các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cần thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện đa mục tiêu trong đó có phòng, chống dịch và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Riêng về phòng, chống dịch, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19, giảm các ca bệnh chuyển nặng, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của nhân dân; không để bị động, lúng túng, bất ngờ khi có các biến thể mới của virus.

Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy trình, phác đồ, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị tại nhà; chỉ đạo tăng cường điều trị F0 tại nhà. Toàn ngành phải bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của ngành, trong đó có khám, chữa bệnh, cấp cứu các bệnh khác, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

* Mở cửa trường học sớm nhất có thể

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tập trung, chủ động chỉ đạo các địa phương chuẩn bị thật chu đáo cho việc mở cửa trường học; công bố công khai, kịp thời quy trình, điều kiện, lộ trình với thời gian cụ thể việc mở cửa trường học, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giảm tối đa lo lắng của phụ huynh học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xác định cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID-19 trong nhà trường.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan căn cứ diễn biến tình hình quyết định việc mở lại các hoạt động du lịch, sớm nhất có thể (chậm nhất là ngày 30/4 và ngày 01/5 tới) nhưng không ồ ạt mà phải có tổ chức, chặt chẽ và phải bảo đảm có lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Bộ Ngoại giao chủ trì, cùng với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế xây dựng lộ trình và các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động xuất nhập cảnh, bảo đảm thuận lợi, an toàn, thống nhất, phù hợp, hiệu quả đối với tất cả các đối tượng.

* Không để ai không có Tết

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm… Tinh thần là "không để ai không có Tết".

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo công tác bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Giao thông vận tải, các bộ liên quan và các địa phương tăng cường phối hợp trong tổ chức, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển về quê đón Tết và trở lại nơi làm việc, bảo đảm kịp thời, an toàn, trật tự; xử lý kịp thời các ách tắc trong hoạt động giao thông vận tải; không để ban hành thêm các yêu cầu, điều kiện, quy định riêng trái với chỉ đạo của Trung ương.

Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo bảo đảm công tác sản xuất, cung ứng điện, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm oxy cho y tế; đẩy mạnh việc quản lý thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của Nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương là Tổ trưởng phối hợp với các tỉnh biên giới tập trung xử lý hàng hóa tồn đọng ở các cửa khẩu biên giới, nhất là hàng nông sản. Các bộ, ngành liên quan chú ý thúc đẩy tích cực, hiệu quả xuất khẩu chính ngạch các loại hàng hóa này.

Bộ Tài chính chủ trì, xử lý kịp thời, hiệu quả các yêu cầu về kinh phí cho Tết (nhất là cho những nơi chưa chủ động được), cho phòng, chống dịch (kinh phí mua vaccine, thuốc…) theo quy định; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn rõ ràng hơn việc đấu thầu, đấu giá mua thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch và chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

* Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng, chống dịch

Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động phòng, chống dịch. Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Việt Á, để sớm đưa ra xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiện toàn cơ quan chuyên trách về truyền thông, luôn chủ động đi trước một bước về truyền thông; đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm đúng hướng, đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; phản ánh đúng sự thật, có phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, không để gây hiểu sai, hoang mang trong dư luận; tích cực đấu tranh phản biện, ngăn chặn các thông tin xấu độc, xuyên tạc, làm sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhất là trong công tác phòng, chống dịch.

Đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tăng cường hoạt động giám sát, vận động, tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm