Bãi đá nham thạch bên bờ biển Lệ Thủy “khoác” lên mình tấm áo màu rêu xanh cổ kính. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Biển Lệ Thủy đẹp nhất khi về chiều. Bởi khi thủy triều rút xuống, du khách có thể đi bộ trên đá và ngắm chúng “khoác” lên mình màu áo mới của rêu xanh, lắng nghe “câu chuyện cổ tích” về nó.
Bãi đá này đã gắn bó ngàn đời với cư dân miền biển nơi đây. Trong tâm khảm của họ, nó như một phần không thể thiếu, là điểm nhấn tô thêm vẻ đẹp cho biển cả quê hương. Cũng chính vì lẽ đó, chẳng ai bảo ai, cứ tự mình giữ gìn, cùng nhau thưởng lãm. Dần dà, nhờ truyền tai nhau, người ta biết đến nhiều hơn và biển Lệ Thủy trở nên nổi tiếng.
Du khách thích thú vui đùa cùng sóng biển bên bãi đá rêu xanh. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Độc, lạ hơn các vùng biển ở các tỉnh khác, bãi đá này được tạo thành từ trầm tích núi lửa sau những đợt phun trào hàng triệu năm về trước. Bãi đá rất bằng phẳng do đó du khách có thể tha hồ di chuyển tùy ý. Lội ra xa một chút, dòng nước mát lạnh, trong suốt sẽ khiến du khách thêm sảng khoái, đặc biệt là được ngắm các loài thủy sinh di chuyển dưới chân mình. Những ai ưa mạo hiểm, thích chinh phục thì nhích xa thêm một tí, đến ngồi trên các mỏm đá to hơn hoặc len lỏi vào các hang đá… ngắm sự kỳ vĩ của thiên nhiên và cảnh tàu thuyền đang hoạt động trên biển với những đợt sóng dội vào, tung bọt trắng xóa.
Vẻ đẹp thơ mộng của biển Lệ Thủy. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Em Lương Trần Uyên Dung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) chia sẻ: Biển rất là xanh, còn những mỏm đá rất tự nhiên, huyền bí nên mỗi khi công việc quá tải, bị áp lực, căng thẳng là em lại rủ bạn bè xuống đây chơi, để đầu óc thư giãn.
Anh Nguyễn Văn Đạt, đến từ thành phố Đà Nẵng cho hay, đây là lần đầu tiên anh đặt chân đến nơi này. Theo anh Đạt, cảnh quan thiên nhiên ở đây rất đẹp và hoang sơ, đây là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch biển.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Sơn Huỳnh Kim Ngân cho biết, giống như ở Đà Nẵng, Lệ Thủy cũng có gành rêu đá, nhưng khác ở chỗ nó nằm trong thềm công viên địa chất toàn cầu nên có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, trở nên độc, lạ. Địa phương cũng đang có hướng giới thiệu địa điểm này cho các tour du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh, kết nối với các điểm khác nhằm tạo ra nhiều điểm tham quan, du lịch. Ngoài ra, biển Lệ Thủy cũng nằm trong quần thể Gành Yến (cách Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải 1 cây số) nên rất thuận lợi để du khách ghé thăm sau khi thưởng ngoạn Gành Yến. Tại đây, họ sẽ chinh phục 70 bậc tam cấp dựng đứng theo ngọn núi nham thạch để xuống biển, một trải nghiệm khá thú vị.
“Đời sống người dân sống ven biển Lệ Thủy những năm trở lại đây cũng cải thiện đáng kể từ khi mở các dịch vụ ăn, uống phục vụ khách tham quan”- bà Ngân nói.
Vĩnh Trọng
TTXVN