"Bác sỹ quân hàm xanh" nặng lòng với đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu

"Bác sỹ quân hàm xanh" nặng lòng với đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu

Đồng bào Khmer ven biển thuộc xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) coi các chiến sỹ của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) rất gần gũi như những người thân trong nhà. Bởi vì đồn luôn là điểm tựa cho bà con nơi đây về mọi mặt, trong đó có những “bác sỹ quân hàm xanh” luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

"Bác sỹ quân hàm xanh" nặng lòng với đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu ảnh 1Người “thầy thuốc quân hàm xanh” Lê Văn Quốc khám bệnh cho bà con Khmer nghèo khu vực biên giới biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/Văn Long - TTXVN  

Theo Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Trạm Quân dân y Vĩnh Hải thuộc đồn Biên phòng Vĩnh Hải nằm trên địa bàn ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu). Đồn được thành lập từ năm 2007, khi đó, cơ sở vật chất của trạm còn đơn sơ, thiếu đội ngũ cán bộ nên công tác khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân của Trạm ngày càng tốt hơn nhờ có sự quan tâm của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, đặc biệt là từ khi Thượng úy Lê Văn Quốc được cử về đây công tác.

Ông Đinh Văn Hoàng, người dân ấp Huỳnh Kỳ, cho biết, ông và người thân trong gia đình thường xuyên đến thăm khám sức khoẻ tại Trạm Quân dân y này. Khi Trạm mới thành lập, cuộc sống cán bộ trong trạm cùng chung hoàn cảnh khó khăn như những người dân vùng biển “dãi nắng dầm mưa”. Cán bộ y tế tại Trạm luôn chăm lo sức khỏe cho dân, còn người dân thì cưu mang, đùm bọc cán bộ của Trạm. Lúc đầu, do thiếu cán bộ nên giờ mở cửa của trạm có khi là 8 - 9 giờ sáng, chiều thì đóng cửa sớm. Từ khi Thượng úy Lê Văn Quốc được cấp trên tăng cường về đây để khám, chữa bệnh cho nhân dân thì bà con rất an tâm. Mặc dù điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng cán bộ biên phòng không bao giờ than phiền mà lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ bà con.

"Bác sỹ quân hàm xanh" nặng lòng với đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu ảnh 2Người “thầy thuốc quân hàm xanh” Lê Văn Quốc khám bệnh cho bà con Khmer. Ảnh: Trung Hiếu/Văn Long - TTXVN

Năm 2011, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng điều chuyển Thượng úy Lê Văn Quốc về Trạm Quân dân y của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải. Anh chia sẻ: “Lúc đầu, khi mới nhận công tác tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, yêu nghề, thương cho bà con mình không đủ điều kiện để lên tuyến trên điều trị khi bị ốm đau, bệnh tật nên tôi tự dặn lòng phải làm thật tốt. Vì đây là địa bàn mà bà con Khmer sinh sống là chủ yếu nên tôi cũng dành thời gian học tiếng Khmer để giao tiếp với dân, tìm hiểu phong tục, tập quán, kết hợp các biện pháp điều trị. Tôi cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn".

Cũng theo “người thầy thuốc mang quân hàm xanh” Lê Văn Quốc, trong những năm qua, trên địa bàn mà đơn vị phụ trách thường xảy ra các loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ, ngộ độc thực phẩm... Anh đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, vận động bà con ăn, uống hợp vệ sinh; tổ chức dọn dẹp, thu gom rác thải, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phun thuốc, đặc biệt là việc tuyên truyền, in và phát hàng ngàn tờ rơi, triển khai nhiều việc làm thiết thực trong việc phòng, chống dịch COVID-19...

Đóng quân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều hộ khó khăn sinh sống, cách xa trung tâm thị xã nên Trạm Quân dân y của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải là lựa chọn đầu tiên của người dân nơi đây mỗi khi “trái gió trở trời”.

"Bác sỹ quân hàm xanh" nặng lòng với đồng bào Khmer ở Vĩnh Châu ảnh 3Đã 24 năm gắn bó với nghề y, thầy thuốc  Lê Văn Quốc tại đồn Biên phòng Vĩnh Hải luôn được nhân dân nghèo vùng biển yêu quý. Ảnh: Trung Hiếu/Văn Long - TTXVN

Nhà ở gần trạm nên hầu như Thượng úy Lê Văn Quốc “trực chiến” gần như suốt ngày đêm. Bà con có thể đến khám bệnh bất cứ lúc nào.

Cụ Nguyễn Thị Năm (Khu 2, ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải) chia sẻ thêm: “Năm nay, tôi 88 tuổi rồi, đi lại khó khăn. Mỗi khi ốm đau đều gọi điện cho chú Quốc là chú đến tận nhà khám rồi cho thuốc uống. Bà con ở đây ai cũng quý mến chú. Ai có bệnh đau ốm, bệnh nào trong khả năng của chú thì chú cho thuốc điều trị, bệnh nào nặng hơn thì chú giúp làm các thủ tục để bà con đi tiếp lên các tuyến trên”.

Với trách nhiệm là Trạm trưởng Trạm Quân dân y và nhiệm vụ của người thầy thuốc mang quân hàm xanh, Thượng úy Lê Văn Quốc không chỉ thực hiện tốt công tác chữa bệnh cho bệnh nhân đến khám tại trạm mà còn trực tiếp đến nhà để khám, điều trị cho các gia đình chính sách, người già neo đơn.

Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, chia sẻ: Mỗi năm, Trạm Quân dân y Vĩnh Hải đã khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người dân. Với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và sự gắn bó với nhân dân, đồng chí Quốc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sỹ và bà con khu vực biên giới biển, tạo được niềm tin yêu, quý mến trong lòng nhân dân.

Đã 24 năm gắn bó với nghề y, nhưng hàng ngày, người thầy thuốc mang quân hàm xanh - Thượng úy Lê Văn Quốc vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức để xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của người dân ở khu vực biên giới biển xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu.

Trung Hiếu - Văn Long

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm