Những ngày qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích trẻ em cần đến sự cấp cứu, can thiệp của các y, bác sỹ. Các bác sỹ khuyến cáo, các phụ huynh không nên chủ quan đối với những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một trường hợp hi hữu, bé trai 18 tháng bị con vắt chui vào mũi. Theo lời kể của người nhà, trong chuyến về quê ở Thái Nguyên chơi, gia đình đưa bé đi tắm suối. Sau khi về nhà, bé có hiện tượng chảy máu mũi, tái đi tái lại nhiều lần. Do nghĩ con bị chảy máu cam, gia đình đưa đi khám tại phòng mạch tư nhưng tình trạng bệnh không giảm. Người nhà tiếp tục đưa bé đến một bệnh viện đa khoa và phát hiện có một con vắt trong lỗ mũi. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng để gắp dị vật.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho hay, vì bé còn nhỏ, chưa hợp tác tốt nên các bác sỹ quyết định gây mê để nội soi lấy dị vật. Con vắt được lấy ra dài khoảng 4 cm, vẫn còn động đậy. Sau đó, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, mũi không còn chảy máu. Bác sỹ Tuấn cảnh báo, dị vật sống (như con vắt, đỉa) rất nguy hiểm, gây ra biến chứng lâu dài như viêm nhiễm, mất máu… Vắt thường có trọng lượng 100 mg, dài 3-5 cm, có giác bám vào lớp niêm mạc mũi, khi hút máu tạo ra chất không đông (hirudin) nên thường không gây đau, rát, khó nhận biết. Thông thường, khi vắt đã hút no máu, người bệnh mới phát hiện có dị vật sống. Khi dị vật cư trú trong mũi ở các ngách khe sẽ gây ra tình trạng chảy máu mũi, phù nề, xuất tiết, nghẹt mũi. Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh từng ghi nhận một số trường hợp dị vật là đỉa, vắt bám ở vùng thanh quản hoặc kiến và ve chó bám trong tai bệnh nhân. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em cần hiểu biết về sự nguy hiểm của các loại dị vật sống. Khi đưa trẻ đi rừng, sông suối, tuyệt đối không để trẻ trực tiếp uống nước từ các nguồn này.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cấp cứu thành công cho hai bé trai (cùng sinh năm 2008) bị ngạt nước. Được biết, cuối tuần qua, hai bé rủ nhau đi bơi tại một địa điểm gần nhà. Trong quá trình tham gia bơi lội, hai em bị chìm dưới nước khoảng 5 phút, được vớt lên trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, được sơ cấp cứu tại chỗ sau đó mới tự thở được. Hai em đã được đưa đến bệnh viện. Theo người nhà, trong quá trình đi bơi, hai em có thi lặn và gặp nạn dù cả hai đều biết bơi.
Bác sỹ Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngạt nước là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em trong những ngày hè. Thời gian qua, Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn do ngạt nước, hầu hết đều đưa đến muộn. Hậu quả của ngạt nước rất nặng nề, nếu ngạt quá 4 phút sẽ gây tổn thương não, quá 10 phút có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng não nặng nề nếu sống sót.
Bác sỹ khuyến cáo, bên cạnh việc dạy bơi cho trẻ để phòng ngừa đuối nước, các gia đình cũng nên cảnh giác những tình huống nguy hiểm đối với những trẻ đã biết bơi bởi vì các em dễ chủ quan dẫn đến tai nạn bất ngờ. Phụ huynh chỉ nên cho trẻ tham gia các hoạt động dưới nước trong tầm kiểm soát để tránh những tai nạn tương tự.
Đinh Hằng