Được đào tạo bài bản, chính quy, cơ hội rộng mở nhưng nhiều bác sĩ trẻ ở Nghệ An đã không quản ngại khó khăn, gian khổ khi quyết định "bỏ phố về rừng" để giúp đỡ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Nhiều năm qua, tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã tuyển dụng được khá nhiều bác sĩ, giúp các trung tâm y tế thuận lợi bố trí nhân lực chất lượng cao tại đơn vị và các trạm y tế xã, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hoạt động y tế dự phòng.
Tinh thần cống hiến của tuổi trẻ
Do tuổi cao, sức yếu nên bà Phan Thị Long (xóm Vạn Tiến, xã Tam Hợp, huyện Qùy Hợp) thường xuyên mỏi mệt, tụt huyết áp, đau đầu, chóng mặt… cần chăm sóc y tế thường xuyên. Trước đây, mỗi lần đi khám, điều trị, lấy thuốc bà phải đi gần 40km đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An nên rất tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian. Nhưng từ khi có bác sĩ trẻ tăng cường về trạm y tế, bà không còn phải đi xa nữa, việc tiếp cận dịch vụ y tế đã thuận lợi hơn.
"Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao nên việc chẩn đoán, kê đơn và bốc thuốc rất chính xác. Không những vậy, thái độ tiếp đón, phục vụ người dân đến khám, chữa bệnh của bác sĩ cũng rất thoải mái, nhiệt tình, dễ gần nên nhân dân rất yên tâm, tin tưởng", bà Phan Thị Long chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Hải Phòng, năm 2019, bác sĩ Vi Thị Đậu về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Tam Hợp. Đây là xã đông dân nhất huyện Quỳ Hợp với lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị khoảng gần 1.000 lượt người/tháng.
Không chỉ khám, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân địa phương tại trạm y tế, chị Đậu còn thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như máy móc, trang thiết bị cần thiết tại trạm chưa được đầu tư nên quá trình khám, chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn; nhất là vào thời điểm năm 2020, 2021 khi COVID-19 bùng phát. Để đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh của người dân rất cần mua sắm thêm một số trang thiết bị máy móc cần thiết, chị Vi Thị Đậu chia sẻ.
Với mong muốn trở về quê hương cống hiến, sau khi tốt nghiệp Đại học Y tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, bác sĩ Sầm Thành Tài (dân tộc Thái, sinh năm 1993) đã xin về công tác theo diện thu hút tại huyện miền núi Quỳ Hợp. Ngay sau đó, bác sĩ Tài được điều động về công tác tại Trạm Y tế xã Châu Lộc. Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, bác sĩ Tài nhanh chóng được người dân tin tưởng. Số bệnh nhân đến trạm thăm khám cũng tăng lên từ khoảng 90 lượt/tháng lên hơn 230 lượt chỉ sau một thời gian ngắn. Hiện nay, bác sĩ Tài đã chuyển đến công tác tại Trạm Y tế xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp.
Bác sĩ Sầm Thành Tài, chia sẻ: Các địa bàn nơi anh đã và đang công tác người dân đa phần là đồng bào dân tộc, điều kiện sống rất khó khăn. Bà con thường sử dụng các loại cây, thuốc nam theo thói quen nên đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Anh mong muốn về quê hương làm việc, cống hiến để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe. Công việc tại trạm y tế cũng đòi hỏi anh và đồng nghiệp phải sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào. Nhờ đó, anh có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Ngoài khám, chữa bệnh ở trạm Y tế, tháng nào anh cũng đến các xóm, bản làng vùng sâu, vùng xa tuyên truyền về cách phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Vẫn cần thêm nguồn lực
Không chỉ củng cố nhân lực cho các trạm y tế tuyến xã, nhiều năm trở lại đây, việc đẩy mạnh thu hút bác sĩ về trung tâm y tế các huyện miền núi đã góp phần thuận lợi trong việc bố trí nhân lực chất lượng cao, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác dự phòng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cho biết: Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 22 dược sĩ và bác sĩ làm việc tại trung tâm (14 bác sĩ, 2 dược sĩ) và các trạm y tế xã (6 bác sĩ). Từ khi được tuyển dụng, đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và tuyến cơ sở. Đặc biệt, tại tuyến y tế cơ sở, với sự tham gia của các bác sĩ, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương; giảm tải lượng lớn bệnh nhân cho các tuyến trên.
Bác sĩ Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã thu hút được 29 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ tăng cường về trạm y tế xã, còn 24 bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Các bác sĩ trẻ khi về trung tâm được làm việc, sinh hoạt tại khoa, trực chuyên môn, trực tiếp khám, chữa bệnh, tham gia hỗ trợ cấp cứu và triển khai các kỹ thuật được đào tạo. Đồng thời, tham gia hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện huyện, cập nhật kiến thức về chuyên môn mới thông qua các buổi đi buồng bệnh tại khoa. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ trẻ đã hoàn thiện hệ thống nhân lực cho các trạm y tế xã. Nếu như các năm trước, việc tuyển dụng bác sĩ về xã, huyện, bệnh viện huyện ở khu vực miền núi rất khó khăn, thì nay lại thuận lợi hơn. Đó là do nhiều con em ở miền núi thi đậu vào các trường đại học y khoa, có nguyện vọng về quê hương công tác.
Triển khai chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND, tỉnh Nghệ An quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập, sau gần 10 năm ngành Y tế đã tuyển dụng gần 300 bác sĩ tăng cường về tuyến y tế cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, làm giảm đáng kể tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hiện Nghệ An còn có 30 trạm y tế không có bác sĩ, ngành phải sử dụng y sĩ đa khoa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh.
Trước đó, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định đưa Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế. Tuy nhiên, theo thống kê, ngành Y tế Nghệ An đang thiếu khoảng hơn 5.000 nhân lực ở các tuyến, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. Trong đó, các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực; các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 (chủ yếu là trung tâm y tế, trạm y tế và một số bệnh viện đặc thù) thiếu gần 1.500 nhân lực.
Văn Tý - Xuân Tiến