Bắc Ninh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống

Bắc Ninh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội 

Toàn tỉnh Bắc Ninh có 547 lễ hội lớn, nhỏ, được tổ chức chủ yếu vào mùa xuân (chiếm khoảng 70%). Mỗi lễ hội có một dấu ấn văn hóa riêng, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng khắp cả nước như lễ hội Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du); lễ hội Kinh Dương Vương (huyện Thuận Thành) tưởng nhớ vị Vua Thủy tổ của nước Việt; hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du) - lễ hội vùng của người Quan họ; hội làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) – thờ thủy tổ Quan họ; lễ hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn) thờ các vị vua nhà Lý… Sức hấp dẫn của các lễ hội vùng Kinh Bắc khiến mỗi du khách cứ đến mùa xuân lại muốn trở về Bắc Ninh du xuân, trảy hội. 
 
Lễ hội đền Đô (Bắc Ninh). Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Lễ hội đền Đô (Bắc Ninh). Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, năm 2017 là năm được đánh giá là năm mà các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương và du khách gần xa. Thành công lớn nhất là không gian lễ hội đã được quy hoạch và mở rộng hợp lý hơn. Các khu dịch vụ được đưa ra xa khu tâm linh tạo sự tôn nghiêm trong di tích. Điều này được thể hiện khá rõ tại các lễ hội lớn như tại hội Lim. Trước đây, tại hội Lim các trò chơi điện tử, mô tô bay được đặt ngay trên đồi Lim nhưng đến nay được đặt phía cánh đồng, cách xa khu vực thờ cúng. Hoặc đối với lễ hội Kinh Dương Vương, các trò chơi được đặt ngoài khu vực làm lễ của người dân… 

Yếu tố truyền thống của các lễ hội được thể hiện đậm nét với sự xuất hiện  của nhiều trò chơi truyền thống, tiêu biểu trong đó có trò chơi truyền thống mang đậm văn hóa của người Quan họ như đu tiên và những trò chơi phổ biến thu hút du khách như đập niêu, chọi gà, vật, bắt vịt, nhảy bao bố… 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội đã khắc phục được những tập tục không phù hợp với ngày nay tiêu biểu như lễ hội truyền thống khu phố Ném Thượng. Lễ hội được mô phỏng lại hành động chém lợn rừng khao quân của tướng Lý Đoàn Thượng dưới triều Lý nhằm tôn vinh công lao của Thành hoàng Lý Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của các bậc tiền bối đã có công bảo vệ đất nước. Lễ hội được tổ chức góp phần tăng cường tình đoàn kết các dân tộc và cầu mong cho năm mới được no ấm, đầy đủ, mùa màng bội thu... Tuy nhiên, việc chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm, kích động bạo lực. Từ năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và đảm bảo yếu tố truyền thống, các cấp chính quyền vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh tục chém lợn giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để giết thịt và làm cỗ ngọc tế thánh. Từ đó, lễ hội tiếp tục được duy trì các yếu tố truyền thống và thay đổi một số yếu tố phù hợp với đời sống hiện nay. 

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bắc Ninh đã sớm ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn lễ hội đến từng địa phương. Đặc biệt, trong quá trình diễn ra lễ hội, Ban tổ chức lễ hội thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an ninh trật tự để lễ hội trở thành ngày hội thực sự của người dân. Với chủ trương phân cấp lễ hội, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm vừa mang yếu tố truyền thống, trang nghiêm. Theo đó, đối với 11 lễ hội thu hút đông người do cấp huyện quản lý, các huyện phải xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Còn lại các lễ hội do xã quản lý, cần xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp huyện. Nếu lễ hội nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm… 

Thời gian qua, công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng đốt vàng mã tại các di tích còn phổ biến, một phần do một số du khách đến  hành lễ mang nhiều đồ mã, hàng mã. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn cho khách, lấn chiếm không gian di tích, mở hàng quán, dịch vụ lộn xộn; dịch vụ đổi tiền lẻ, lợi dụng tâm lý người đi hội để lừa đảo, ép giá, tình trạng lên đồng, xóc thẻ tại di tích... vẫn xảy ra. Hiện tượng khấn thuê, chèo kéo khách chưa được giải quyết triệt để, chẳng hạn tại đền Bà Chúa Kho, thành phố Bắc Ninh)... 

Chuẩn bị tốt các điều kiện đón du khách trảy hội 

Năm 2018, với quan điểm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, Bắc Ninh đã sớm có công văn hướng dẫn chỉ đạo trong công tác tổ chức lễ hội. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh không chủ trương mở rộng quy mô lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội  phải phù hợp với lối sống, phong tục tập quán, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó phần lễ được tiến hành trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống; phần hội đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí mang tính giáo dục, trọng tâm là tổ chức các trò chơi dân gian và các môn thể thao truyền thống. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải niêm yết bảng giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bố trí nhân lực và phương tiện thu gom rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường… Ngoài ra, Bắc Ninh cũng yêu cầu đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các lễ hội. 

Song song với công tác quản lý lễ hội, Bắc Ninh tăng cường quy hoạch, tu bổ các di tích nơi diễn ra lễ hội. Tại cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Bắc Ninh đầu tư gần 500 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích có tổng diện tích gần 40 ha, gồm không gian bảo tồn di tích, không gian phát huy giá trị di tích, không gian quản lý và dịch vụ phụ trợ. Khi hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng trong việc gắn kết các điểm di tích lịch sử trên địa bàn Bắc Ninh, góp phần phát triển du lịch. Ngoài ra, khu vực chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp… cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Bắc Ninh cho biết, mùa lễ hội năm 2018, những cửa hàng bày bán trước cổng Đền bà chúa kho (thành phố Bắc Ninh) đã được giải tỏa, mở rộng thêm lối lên đền. Trong giai đoạn năm 2018 – 2019, sau khi Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh thống nhất mẫu quy hoạch, hơn 100 ki ốt bán hàng được di chuyển từ phía cổng vào đền sang khu trông xe hiện nay tránh gây ồn ào, ảnh hưởng tôn nghiêm nơi thờ tự. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Du cho biết: Tại Quảng trường đồi Lim, nơi diễn ra lễ hội Lim đã được huyện Tiên Du đầu tư xây dựng quảng trường vùng Lim với hệ thống đài phun nước, sân, nhà vệ sinh công cộng… tạo cảnh quan không gian lễ hội sạch đẹp. 

Một mùa xuân nữa đang về, nhân dân địa phương và du khách thập phương có dịp về Bắc Ninh du xuân trảy hội. Về với Bắc Ninh - Kinh Bắc, du khách sẽ được tham dự nhiều lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc.
Thanh Thương 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm