Bạc Liêu ưu tiên nguồn vốn khắc phục sạt lở

Ngày 24/6, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp về tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong những ngày qua. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều chủ trì Hội nghị.

vna_potal_bac_lieu_ban_giai_phap_ung_pho_thien_tai_dam_bao_an_toan_cho_nguoi_dan_7446257.jpg
Bếp của một hộ dân tại khóm 6, phường 5, thành phố Bạc Liêu bị nứt và trôi xuống sông do sạt lở. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ sụt lún, sạt lở cho thấy tình hình thiên tai năm 2024 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tài sản và tính mạng người dân.

Vì vậy, đề nghị, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng sở, ngành, địa phương đánh giá tình hình sạt lở, nguyên nhân, bàn giải pháp phòng, chống hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

vna_potal_bac_lieu_ban_giai_phap_ung_pho_thien_tai_dam_bao_an_toan_cho_nguoi_dan_7446202.jpg
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã báo cáo nhanh tình hình sạt lở và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả cùng những giải pháp mang tính lâu dài, ổn định trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn để khắc phục sạt lở, gia cố điểm sạt lở; có phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở; công bố tình trạng khẩn cấp khi trên địa bàn xuất hiện thiên tai, sạt lở nguy hiểm, cấp bách…

Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tình trạng sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu tại đường Lê Thị Hồng Gấm (thuộc địa bàn khóm 6, phường 5, thành phố Bạc Liêu) đã làm sạt lở nhà dân, một số nhà xuất hiện vết nứt, vách tường xé, nền hạ bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau - Bạc Liêu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Tính đến chiều tối 23/6, có 39 căn nhà bị ảnh hưởng trong phạm vi chiều dài sạt lở 800m (phát sinh 5 căn nhà so với ngày 22/6).

Qua thống kê, rà soát phải di dời 10 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng nặng đến nơi khác an toàn, còn 29 hộ dân vẫn ở tại chỗ (các hộ này tiếp tục theo dõi tình hình, nếu phức tạp hơn tiếp tục di dời đến nơi an toàn). Chính quyền địa phương cắm biển báo tại khu vực sạt lở để người dân chủ động phòng tránh.

Khảo sát hiện trường cho thấy, khu vực này đang xuất hiện cung trượt sâu. Do cộng hưởng tải trọng của các nhà dân, những hộ dân xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông, đóng cọc đổ sàn bê tông lấn ra lòng sông.

vna_potal_bac_lieu_ban_giai_phap_ung_pho_thien_tai_dam_bao_an_toan_cho_nguoi_dan_7446206.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Trên địa bàn thị xã Giá Rai, từ ngày (22-23/6/2024) tại bờ Bắc sông Cà Mau - Bạc Liêu địa bàn khóm 2, phường Hộ Phòng xảy ra sạt lở bờ sông, gây sạt lở nhà dân và một số nhà có xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền hạ bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau - Bạc Liêu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tính đến 18 giờ ngày 23/6 có phát sinh 5 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hai căn bị ảnh hưởng nặng.

Khu vực này xảy ra sạt lở vào năm 2023 và những năm trước đây có chiều dài sạt lở khoảng 2,6km (tuyến Lộ Cũ ấp 2, xã Tân Phong từ cầu Sư Son đến khóm 2, phường Hộ Phòng với chiều dài 2.600m là khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao, có 458 hộ dân sinh sống theo tuyến lộ này).

Chính quyền thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai kịp thời cử lực lượng xuống địa bàn hỗ trợ bà con di dời đồ đạc đến nơi an toàn và cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Đồng thời khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho các hộ dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.

vna_potal_bac_lieu_ban_giai_phap_ung_pho_thien_tai_dam_bao_an_toan_cho_nguoi_dan_7446260.jpg
Sạt lở gây nứt nhà và hư hại tài sản của người dân tại Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho rằng, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, khó dự báo, nhất là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng. Để chủ động phòng, chống, hạn chế tối đa thiệt hại, yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho nhân dân sống ven sông, ven kênh rạch chủ động phòng tránh, đặc biệt không nên lấn chiếm lòng sông để xây dựng các công trình, nhà ở…Các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sụt lún và sạt lở cần khẩn trương rà soát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở có hướng chủ động cảnh báo từ sớm.

Cùng với đó, cần ưu tiên vốn thực hiện gia cố các điểm sạt lở trước mắt và làm bờ kè bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Chính quyền các địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời đảm bảo cuộc sống người dân, nhất là khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Đối với các hộ dân nằm tại vùng nguy hiểm của sạt lở, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền bà con di dời, kiên quyết không để người dân ở lại những điểm sạt lở này.

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, nếu có việc đi ra khỏi địa bàn tỉnh phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, kể cả ngày nghỉ cuối tuần.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm