Bà Trương Thị Hậu (sinh năm 1960), thôn Văn Non, xã Lục Sơn (Lục Nam), người dân tộc Dao là gương làm kinh tế giỏi. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN |
Theo đó, giai đoạn 2019-2020, tỉnh dự kiến đầu tư trên 283 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 36 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Bắc Giang huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình; tạo cơ hội để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo là chính.
Tỉnh nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo; quản lý, điều hành, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, sự tham gia của người dân vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Bắc Giang chỉ đạo phối hợp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, dự án về giảm nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, dân tộc, đặc biệt khó khăn, từ đó từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Tỉnh tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất phù hợp ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân ở các vùng này.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bắc Giang còn 42.734 hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 9,53%, giảm so với cuối năm 2015 18.011 hộ (tương ứng giảm 2,2%/năm). Năm 2018, tỉnh Bắc Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,55%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%, còn 37,78%.
Giai đoạn 2016-2018, kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là trên 3.395 tỷ đồng; kinh phí thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh Bắc Giang theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh 36 tỷ đồng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả. Cụ thể, tổng dư nợ các chương trình tín dụng (trong đó có tín dụng hộ nghèo) của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 3.817 tỷ đồng, tăng trên 276 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2017. Tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 813.090 lượt đối tượng người nghèo và người dân tộc thiểu số vùng khó khăn với kinh phí trên 544 tỷ đồng; miễn giảm và hỗ trợ kinh phí học tập cho 15.170 học sinh với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tỉnh đã phân bổ kinh phí 35 tỷ đồng để hỗ trợ 1.229 hộ làm nhà ở...
Ngoài ra, Bắc Giang đã phân bổ trên 387 tỷ đồng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn, gồm nhiều chương trình, dự án thành phần như: Chương trình 30a huyện Sơn Động, Chương trình 135; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình...
Chương trình vận động "Tết vì người nghèo" đã vận động được trên 66 tỷ đồng; xây dựng Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội trong 2 năm qua đạt trên 40 tỷ đồng; vận động ủng hộ hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 800 nhà ở cho hộ nghèo trị giá trên 12 tỷ đồng.
Việt Hùng