Bà Rịa -Vũng Tàu hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây trồng chủ lực

Bà Rịa -Vũng Tàu hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây trồng chủ lực
Bà Rịa -Vũng Tàu hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây trồng chủ lực  ảnh 1
Thu hoạch tiêu tại một vườn tiêu xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Vụ thu hoạch hồ tiêu ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Nguyễn Đình Hoàng, ngụ ấp Phú Qúy, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã thất thu nặng nề, do năng suất giảm sút mạnh kèm theo đó chất lượng sản phẩm cũng không được nâng lên do giá cả của loại cây trồng này liên tiếp nhiều năm liền rơi xuống mức rất thấp.

Với 5 ha tiêu, vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Đình Hoàng đã trồng được 6 năm tuổi. Anh cho biết, năm 2019 do ảnh hưởng của thời tiết vì trời nắng nhiều và gay gắt vào đúng thời điểm cây tiêu ra hoa, nên vườn tiêu của gia đình anh không đủ nước tưới. Cộng với nắng gắt, nắng nhiều đã khiến nhiều vườn tiêu bị khô hoa dẫn đến việc đậu trái bị ảnh hưởng nặng nề; năng suất giảm khoảng 70% so với vụ tiêu năm trước. Thời điểm thu hoạch hồ tiêu, giá loại cây trồng này cũng đang giảm mạnh chỉ còn 36.000-38.000 đồng/kg khiến gia đình anh lao đao (trước khi bước vào vụ thu hoạch giá từ 40.000-41.000 đồng/kg).

Vụ tiêu vừa thu hoạch lại sụt giảm mạnh về năng suất, vì các trụ tiêu chỉ cho lưa thưa vài gié. Các gié cũng chỉ lác đác vài trái, nên vừa qua, với 5 ha gia đình anh chỉ thu về chưa đến 10 tấn (vụ tiêu năm 2019 gia đình anh Hoàng thu là 40 tấn).

“Tiêu thì thất thu, gía tiêu thì rớt xuống thấp, giá nhân công lại quá cao, năm nay thực sự là năm khó khăn với người trồng tiêu chúng tôi. Với tình hình cây tiêu ngày càng khó khăn, tôi có dự định sau vụ thu hoạch này sẽ chặt tiêu để chuyển sang trồng các loại cây khác như: nhãn, bơ…”, anh Hoàng nói.

Theo thống kê, vụ tiêu năm 2020, năng suất ở hầu hết các vườn đều giảm từ 50-70% so với năm 2019. Một phần do vài năm trở lại đây, các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi, nên năng suất tiêu không cao. Từ khi tiêu rớt giá, do không được chăm sóc, đầu tư cũng dẫn đến số lượng cây tiêu đã chết đi đáng kể, nhiều bà con phá bỏ và trồng thay thế loại cây khác như mít, sầu riêng, bơ...

Không riêng gì cây tiêu, vụ thu hoạch điều năm nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng rơi vào cảnh mất mùa, rớt giá kỳ lục. Đầu mùa điều năm nay, tuy giá rớt ở mức thấp ở mức 27.000 đồng/kg nhưng đến giữa vụ điều vừa qua giá đã rớt xuống ở mức kỷ lục, chỉ còn từ 17.000-18.000 đồng/kg.

Theo nhiều hộ dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cây điều khi đã cho thu hoạch không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, nhân công thu hoạch thì ngày một tăng cao do khan hiếm, cộng với việc giá hạt điều thương phẩm ngày một giảm đã khiến lợi nhuận của người trồng điều ngày một giảm mạnh.

Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều hộ trồng điều đã đang chặt dần diện tích điều để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác. Cách đây khoảng 4 năm, khi tiêu đang có giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc đã chặt bỏ 4 ha điều để chuyển qua trồng tiêu, hiện nay còn 3 ha điều.

“Với giá điều ngày càng rớt xuống thấp như hiện nay, hết vụ này tôi sẽ chặt bỏ dần một phần diện tích để chuyển qua trồng một số loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng…”, ông Tuấn cho biết thêm.

Ngoài hồ tiêu, hạt điều, hiện nay giá bán cà phê cũng đang ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Kết thúc vụ cà phê 2019-2020, ông Đỗ Kế (thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) chỉ thu được chưa đến 3 tấn cà phê, giảm hơn 1 tấn so với năm ngoái.

Ông Kế cho biết, nguyên nhân chính khiến cà phê mất mùa là thời tiết không thuận lợi. Năm ngoái mưa xuất hiện sớm, nhưng đến tháng 10 lại nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê ở giai đoạn quả kết nhân.

Ngoài ra, đa số các cây cà phê trong vườn đều đã già cỗi, nên cũng không mặn mà chăm sóc do giá giảm nhiều năm liên tiếp cũng khiến năng suất thấp. Theo ông Kế, giá cà phê năm nay cũng giảm mạnh so với năm ngoái, chỉ còn 31.000-32.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000-4.000 đồng/kg so cùng kỳ vụ trước.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, diện tích các loại cây nguyên liệu (trừ cao su) trên địa bàn tỉnh khoảng gần 27.950 ha. Trong đó, cà phê 5.940 ha, hồ tiêu 13.000 ha, điều gần 9.000 ha. Trong những năm qua, các loại cây này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do giá cả, năng suất bấp bênh, điều này đã khiến nhiều nông dân nản lòng dẫn đến chặt bỏ hoặc bỏ bê không chăm sóc.

Tuy nhiên, theo quy hoạch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đây vẫn là những loại cây trồng chủ lực, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Do đó, cần nhiều biện pháp như sắp xếp lại diện tích, tăng liên kết, chế biến sâu để nâng cao hiệu quả canh tác.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong các loại cây công nghiệp chủ lực hiện nay, hồ tiêu được tỉnh xác định quan trọng nhất, nên sẽ được định hướng để giữ nguyên diện tích 13.000 ha như hiện nay. Các loại cây còn lại sẽ dần thu hẹp diện tích trồng.

Song song với việc ổn định lại diện tích, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các loại cây công nghiệp. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ bà con nông dân đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất như tưới nước, làm đất, thu hoạch nhằm giảm chi phí sản xuất; thực hiện tốt, xây dựng quy trình chuẩn thâm canh bền vững để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quy trình thu hái, bảo quản nông sản.

“Chúng tôi cũng sẽ thực hiện hỗ trợ, tăng diện tích thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP... Những diện tích cây công nghiệp lâu năm già cỗi, năng suất thấp, các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức hướng dẫn người dân trồng mới hoặc tái canh hợp lý bằng các giống có nguồn gốc rõ ràng, có năng suất và chất lượng ổn định.

Đối với các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, điều, tỉnh sẽ đẩy mạnh các mô hình liên kết với nông dân qua mô hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến để tạo ra nông sản an toàn, chất lượng cao”, ông Đức thông tin thêm.
Hoàng Nhị
TTXVN

Có thể bạn quan tâm