An Giang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

An Giang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Cuối tháng 5/2020, UBND tỉnh An Giang triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn khác trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn.

Theo kế hoạch, đến năm 2023, tỉnh An Giang thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Tỉnh từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu là cuối năm 2023, toàn tỉnh có 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số tại An Giang nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 80% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường. 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù; tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về góp phần đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số.

Đến năm 2025, tỉnh An Giang sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc. 100% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; giới thiệu các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc, thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện. Tỉnh xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến hoặc tổ chức tọa đàm về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và sử dụng các giao dịch điện tử.

Tỉnh An Giang nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho bà con. Tỉnh tổ chức các mô hình tuyên truyền trực tuyến trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất cho đồng bào và đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; tăng cường công tác dạy, phổ cập tin học tại các trường học vùng dân tộc, trường phổ thông nội trú dân tộc, trường nghề dân tộc nội trú…

Hiện nay, tỉnh An Giang có 4 dân tộc sinh sống là Kinh, Chăm, Hoa, Khmer, trong đó, có khoảng 120.000 người dân tộc thiểu số, khoảng 28.500 hộ gia đình, chiếm 5,26% tổng số dân trên địa bàn tỉnh. An Giang là tỉnh duy nhất tại khu vực Tây Nam bộ có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung. Thời gian qua, địa phương có nhiều chính sách hiệu quả, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Từ năm 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số tại An Giang (áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đã giảm 3,8%/năm. 

Tỉnh An Giang đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác trong công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực trí thức vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đầu tư xây dựng Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú cấp tỉnh tại huyện Châu Đốc và hai trường Phổ thông Cơ sở dân tộc nội trú tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Toàn tỉnh An Giang hiện có 21 trường học thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để học sinh là người dân tộc phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức, góp phần đưa các các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đến với cộng đồng một cách hiệu quả.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết, tỉnh đã chọn thực hiện thí điểm mô hình trường học điện tử tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghệ thông tin trong nhà trường để nâng cao chất lượng dạy và học cho con em đồng bào dân tộc trên địa bàn. Trường có trang bị hệ thống internet băng thông rộng (ADSL) để cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh khai thác sử dụng, trao đổi thông tin trên mạng. 

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh An Giang tương đối phát triển. 100% các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đông đồng bào dân tộc sinh số có cáp quang đến trung tâm; có hệ thống loa truyền thanh không dây hoạt động. Từ đó, người dân được kịp thời cập nhật các thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm