Chín tháng năm 2022, số vụ sạt lở, mức độ thiệt hại do sạt lở tại An Giang tuy giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại gia tăng về quy mô và tần suất. Trước thực trạng này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng, chống và khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn.
Liên tục xảy ra sạt lở
Chín tháng qua, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 30 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch ở các huyện, thị xã: An Phú, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu và Thoại Sơn với tổng chiều dài 1.505 m. Sạt lở làm ảnh hưởng đến 17 căn nhà của người dân huyện An Phú, Châu Phú, Chợ Mới; trong đó có 3 căn phải di dời khẩn cấp. Ước thiệt hại do sạt lở gần 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, địa bàn huyện Châu Phú có nhiều đoạn sạt lở nhất (14 đoạn) ảnh hưởng giao thông nông thôn và nguy cơ ảnh hưởng đến Quốc lộ 91. Riêng từ ngày 28 - 30/9, địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 10 đoạn rạn nứt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở các huyện An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn với tổng chiều dài 288 m.
Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, nguyên nhân các vụ sạt lở trên bước đầu được xác định do đường giao thông nông thôn sát bờ sông, kênh, rạch, mái bờ thẳng đứng, lưu thông qua lại của các phương tiện giao thông thủy, bộ nhiều. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4 khiến đất mềm, bở, rời cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở.
Trước đó, trong ngày 24/6/2022, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 1286A/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Tây sông Hậu (từ bến phà Quốc Thái - Phú Hữu về phía hạ lưu khoảng 1.000 m) thuộc khu vực thực hiện Dự án Kè chống sạt lở bờ Tây sông Hậu (đoạn xã Quốc Thái, huyện An Phú). Đồng thời, UBND tỉnh cũng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ sông Hậu (đoạn qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) thuộc khu vực triển khai Dự án Xử lý sạt lở khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu (đoạn qua hai xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ, huyện Châu Phú).
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hầu hết các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn luôn được các địa phương chủ động hỗ trợ người dân di dời, có giải pháp tạm thời bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở. Các ngành chức năng tổ chức đo đạc, khảo sát địa hình đáy sông, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở và đưa ra các khuyến cáo, tổ chức triển khai ngay các giải pháp khắc phục bảo vệ đường bờ, khắc phục về giao thông, dân cư, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hàng năm, Sở đều thực hiện đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở bờ sông hai đợt vào mùa khô và mùa mưa. Kết quả quan trắc cho thấy, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 181.540 m. Trong đó, 14 đoạn ở mức độ bình thường, 37 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm.
Chủ động phòng, chống
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, hiện mực nước tại các trạm trên lưu vực sông Mê Kông có xu thế lên dần. Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long qua Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-40%. Mực nước cao nhất tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông xuất hiện trong tuần giữa tháng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 từ 0,15-0,25m; mực nước thấp nhất có khả năng xuất hiện trong tuần đầu tháng ở mức cao hơn cùng kỳ 2021 từ 0,35-0,95m.
Trước tình hình đó, các sở, ngành và các huyện trên địa bàn cần thường xuyên tăng cường theo dõi, cảnh báo người dân thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở. Các địa phương cần có kế hoạch đề xuất nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, di dời người dân khỏi nơi xung yếu; đặc biệt sạt lở ảnh hưởng đến các công trình quốc lộ, đê cấp III, khu vực dân cư, công trình hạ tầng quan trọng khác và các sông kênh rạch nội đồng.
Để phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngành Nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực cảnh báo sạt lở, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở kể cả các tuyến kênh, rạch; kịp thời phát hiện để có hướng xử lý theo phương châm 4 tại chỗ; chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu rạn nứt, sụt lún nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng người dân.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, ngành Nông nghiệp An Giang sẽ huy động nguồn lực địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai, các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ nhân dân kịp thời khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi xảy ra sạt lở; tiếp tục rà soát, kiểm tra các điểm, tuyến sông, kênh rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở để đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế, khắc phục sạt lở.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tập trung phòng, chống sạt lở, tiếp tục thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy, nhằm hạn chế các điểm sạt lở trên địa bàn.
Thanh Sang