Ngoài du lịch, rừng tràm Trà Sư ở An Giang còn có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN |
Thay đổi tư duy Là huyện cù lao bốn bề giáp sông Tiền và sông Hậu, có diện tích tự nhiên gần 40.000 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là gần 25 ngàn ha. Đất đai, manh mún, nhỏ lẻ với bình quân 0,32 ha đất/hộ; khoảng 90,88% dân số của huyện sống ở nông thôn và phần lớn người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp. Xác định nông nghiệp và du lịch là hướng đi chủ lực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là đối với 3 xã Cù lao Giêng là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, nên huyện Chợ Mới mạnh dạn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng chuyên canh theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Để thực hiện chủ trương đề ra, ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, huyện đã ban hành Đề án thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng giai đoạn 2014 - 2020 làm cơ sở để các địa phương trong huyện tổ chức thực hiện với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác. "Để công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng thật sự hiệu quả, huyện tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện bờ bao kiểm soát lũ triệt để sản xuất 3 vụ ăn chắc; huyện hoàn thành Dự án nam Vàm Nao, Trạm bơm mẫu mương Ông Cha, các dự án tưới công nghệ cao,..., đây là những công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn", Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết. Để ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, Chợ Mới hoàn thiện 166 công trình đê kết hợp với giao thông nội đồng có tổng chiều dài 565 km, toàn bộ trạm bơm dầu cũng chuyển sang bơm điện với 519 trạm. Từ đó, hệ thống giao thông, thủy lợi kết hợp với hệ thống đê bao có khả năng chống lũ triệt để của 84 tiểu vùng tạo nên hệ thống giao thông nội đồng khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Nhờ có chủ trương và những giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế gia đình. Bà Nguyễn Thị Thúy Hậu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới cho biết, tuy trong xây dựng nông thôn mới còn những khó khăn, nhưng mỗi hộ gia đình trên địa bàn Chợ Mới đều có cách bứt phá, phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống mới, góp phần làm khởi sắc thêm diện mạo nông thôn mới. "Các xã trên địa bàn huyện đều có mô hình chuyển dịch thành công, tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, điển hình là 3 xã Cù lao Giêng đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng vườn, hình thành vùng chuyên canh xoài tập trung với diện tích trên 4.200 ha. Từ đó mang lại thu nhập cao gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa", bà Hậu cho biết thêm.Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp Qua 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Chợ Mới đã thực hiện chuyển dịch gần 5.000 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp; trong đó chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái là gần 3.300 ha. Hiện diện tích đất trồng lúa của huyện chỉ còn hơn 14.120 ha chiếm 57,28% diện tích đất nông nghiệp (giảm hơn 3.200 ha so với năm 2008), đạt giá trị bình quân 114,21 triệu đồng/ha; cây màu, cây ăn trái chiếm 42,72% diện tích đất nông nghiệp, cây màu hơn 4.100 ha, đạt giá trị bình quân gần 393 triệu đồng/ha, cao gấp 3,44 lần so với trồng lúa và diện tích cây ăn trái gần 6.700 ha, tăng 5.123 ha, đạt gần 322 triệu đồng/ha, cao gấp 2,82 lần so với trồng lúa. Để sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hướng đến xuất khẩu sang thị trường ngoài nước, huyện Chợ Mới cũng đẩy nhanh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu quy mô 500 ha đạt chuẩn VietGap gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” ở 3 xã Cù lao Giêng; xây dựng Đề án Phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát lũ vùng nam Vàm Nao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng chuyên canh của huyện. Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến nay huyện Chợ Mới hình thành các vùng chuyên canh tập trung cây ăn trái. Đặc biệt, tại 3 xã Cù lao Giêng như: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân đến nay không còn đất lúa, đã chuyển hết diện tích lúa sang trồng xoài, nhiều nhất là xoài ba màu phục vụ xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, EU..., cho thu nhập cao. Nhiều năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã giúp Chợ Mới tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích đất canh tác. Cụ thể, năm 2018 giá trị sản xuất trung bình 1 ha đất nông nghiệp của huyện là 316 triệu đồng, tăng gần 194 triệu đồng/ha so với năm 2008 chỉ đạt 122,7 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm qua số lượng nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo vươn lên khá, giàu ngày càng nhiều, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm đều giảm. Cụ thể, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,4% (năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ là 3,6%), thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 28,54 triệu đồng/người/ năm so với năm 2008 chỉ đạt 18,06 triệu đồng/người/năm. Ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện thời gian qua đã và đang thu được những thành quả quan trọng; từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. "Đến nay huyện đã có 8/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã Cù lao Giêng và xã Mỹ Hiệp đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao phấn đấu đến cuối năm 2019 được công nhận và đến cuối năm 2022 Chợ Mới sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới", ông Hiếu cho biết thêm.Nhà vườn làm du lịch Ngoài thế mạnh nông nghiệp, Chợ Mới còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là ở 3 xã Cù lao Giêng, nơi đây nổi tiếng là một “Cù lao xanh” đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Chợ Mới có các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ, có nhiều di tích lịch sử như: Đình thần Tấn Mỹ, Phủ thờ họ Dương, Phủ thờ Nguyễn Tộc, khu mộ cụ Ung Văn Khiêm. Ngoài ra, huyện còn có quần thể kiến trúc tôn giáo độc đáo như: Nhà thờ Cù lao Giêng, Tu viện chúa Quan phòng, Tu viện Phanxico, chùa Thành Hoa, chùa Phước Thành, nhà thờ Rạch Sâu,... cùng với các làng nghề truyền thống đậm nét Nam bộ. Hiện cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch 3 xã Cù lao Giêng. Nhiều nhà vườn ở Cù lao Giêng với diện tích canh tác lớn bắt đầu khai thác các nhiều loại hình du lịch để đón khách tham quan, trong đó loại hình du lịch homestay đang phát triển mạnh với sự tham gia của đông đảo cộng đồng. Với tiềm năng phát triển du lịch, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển du lịch 3 xã Cù lao Giêng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chợ Mới cũng đã xây dựng quảng bá du lịch 3 xã Cù lao Giêng trên các mạng thông tin điện tử, mạng xã hội; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho hộ nhà vườn; tăng cường quảng bá du lịch địa phương để thu hút du khách trong nước và khách quốc tế đến Chợ Mới. Huyện cũng đang thực hiện xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng ven sông Cồn Én; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác đến khảo sát thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cáp treo, trò chơi mặt nước và chợ nổi trên sông .... Thời gian qua, phát triển du lịch trên địa bàn huyện Chợ Mới gắn liền với xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, cung cấp thêm các sản phẩm du lịch địa phương, tạo môi trường thuận lợi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Chợ Mới để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy đạt được những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới, nhưng huyện Chợ Mới cũng gặp một số khó khăn trong phát triển du lịch sinh thái, gắn với nông nghiệp. Chẳng hạn như, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, phần lớn sản phẩm du lịch được khai thác quy mô nhỏ. Năng lực kết nối hạn chế nên chưa tạo thành sản phẩm có khả năng mang lại doanh thu cao cho các hộ gia đình. Lượng khách du lịch có tăng hàng năm nhưng chưa giữ chân được du khách, lượng khách lưu trú rất thấp hoặc có thì thời gian rất ngắn do điều kiện vật chất được đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu... Để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới ông Ngô Hoàng Hiếu cho biết, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư trong và ngoài nước để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của nông dân; chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, mở rộng kết nối các tour, tuyến du lịch tại 3 xã Cù lao giêng. "Tỉnh cũng sớm phân bổ kinh phí theo quy hoạch Đề án Quy hoạch phát triển du lịch 3 xã Cù lao Giêng; có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào du lịch 3 xã Cù lao Giêng và hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyên sâu nguồn nhân lực cho lãnh đạo quản lý du lịch, cán bộ và hộ nhà vườn, hộ kinh doan", Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới đề nghị.
Thanh Sang