LĐ nông thôn có thêm thu nhập sau học nghề. Ảnh: baoangiang.com.vn |
Năm 2020, An Giang sẽ tổ chức 469 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên lao động nông thôn, phấn đấu có trên 80% số lao động sau khi học nghề có việc làm. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung mở 200 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 5.000 lao động nông thôn; mở gần 269 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 7.000 lao động nông thôn. Để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết, ngành sẽ tập trung đào tạo nghề đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định; trong quá trình tư vấn, xét tuyển đầu vào để đào tạo nghề, chú trọng đến trình độ học vấn, sức khỏe, điều kiện của người lao động phù hợp với nghề sẽ học nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. Ngành cũng chỉ đạo từng địa phương rà soát nắm nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm tại chỗ, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, ngành nghề cần đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn... Ông Sơn nhấn mạnh: Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, An Giang chú trọng đào tạo nghề theo hướng nhân rộng các lớp nghề đã tổ chức hiệu quả; đào tạo tại doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh; gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn để người lao động sản xuất tự tạo việc làm; tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp để doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức làm việc cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, để lao động nông thôn tích cực học nghề, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề từ 2,5 – 6 triệu đồng/người/khóa học với các đối tượng như: Người khuyết tật; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người dân tộc thiểu số; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ cận nghèo; người học là phụ nữ... Ngoài ra, các đối tượng trên còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Ngoài ra, lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay tín dụng để học nghề và sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về Việc làm để tự tạo việc làm. Hiện toàn tỉnh An Giang có 22 cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 5 trường trung cấp; 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề. Đến cuối năm 2019, danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn có 63 nghề, trong đó có 15 nghề nông nghiệp và 48 nghề phi nông nghiệp. Năm 2019, An Giang đã tổ chức khoảng 461 lớp đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn, với kinh phí thực hiện gần 26,2 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp lựa chọn cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện tổ chức đào tạo nghề để ký hợp đồng đào tạo; chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo nghề, số lao động tạo được việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80% so với tổng số lao động đã đào tạo, còn khoảng 20% đang tìm việc làm. Song song đó, năm 2019, An Giang cũng đã tổ chức thực hiện 56 lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của 8 doanh nghiệp với 1.955 học viên, kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Người lao động sau khi học nghề, được doanh nghiệp tiếp nhận bố trí việc làm chiếm trên 90%. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiệu quả, có khả năng nhân rộng như: Nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt; kỹ thuật sản xuất và nuôi lươn; kỹ thuật trồng nấm rơm; kỹ thuật trồng rau màu trong nhà lưới theo phương pháp thủy canh; kỹ thuật nuôi bò vỗ béo; kỹ thuật trồng và thiết kế vườn... Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết: Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại An Giang thời gian qua đạt khá tốt, chất lượng đào tạo được quan tâm, đặc biệt là việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đăng ký tham gia học nghề; nhiều lao động học nghề xong đã tự tạo được việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên theo ông Ly, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề như: Một số địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động; chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp nhu cầu thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thời gian đào tạo và chất lượng đào tạo ở một số lớp nghề chưa đảm bảo nên một số lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp.
Thanh Sang