Xác định đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang (trực thuộc Tỉnh đoàn An Giang) đã đa dạng hóa các nội dung, hình thức hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất giúp các bạn trẻ khởi nghiệp thành công…
Tiếp sức cùng thanh niên khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại ấp Tô Lợi, thị Trấn Cô Tô, của huyện miền núi Tri Tôn (An Giang), tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ và xin được công việc đúng chuyên ngành nhưng anh Chau Kim Sêng đã quyết định trở về quê khởi nghiệp với mô hình Aquaponics (mô hình nuôi cá tuần hoàn kết hợp trồng rau sạch).
Tận dụng diện tích vườn tạp của gia đình, cùng với kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc, anh Chau Kim Sêng mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá trong bể bạt với diện tích 250m2, đã mang lại nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng cho gia đình.
Theo anh Sêng, lợi thế của mô hình này là cây rau trồng thủy canh sẽ phân giải chất thải của cá thành chất dinh dưỡng mà cây trồng hấp thụ được, không cần phải thay nước.
Anh Chau Kim Sêng cho biết, rau được trồng trên giàn thủy canh chủ yếu là rau muống, cải ngọt, cho thu hoạch hằng ngày khoảng 5 - 10kg. Rau được cung cấp cho tiểu thương tại chợ trên địa bàn với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, giống mới sẽ bỏ vào ô trống, khoảng hơn 10 ngày sau lại tiếp tục cho thu hoạch.
Bồn nuôi cá trê trong bể bạt khoảng 2,5 - 3 tháng sẽ thu hoạch, mỗi đợt thu được khoảng 800kg cá/bể. Sắp tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư thêm hai bể, thả nuôi các loại cá đặc sản như: cá lóc, cá heo đuôi đỏ, cá chình…
Trong quá trình khởi nghiệp, anh Sêng được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang trao vốn khởi nghiệp, với số tiền 80 triệu đồng. Nhờ đó, giúp anh có thêm nguồn vốn mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập.
Cũng được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đồng hành, hỗ trợ vốn khởi nghiệp mở rộng sản xuất với số tiền 60 triệu đồng, cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công làm từ tăm tre, sản phẩm biểu trưng, lưu niệm bằng gỗ và tranh lá thốt nốt - Linh Handmade của bạn Nguyễn Vũ Linh (sinh năm 1994, ngụ thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đến nay đã phát triển gấp 4 lần so với thời điểm mới khởi nghiệp.
Từ chỗ chỉ bán vài sản phẩm, cơ sở Linh Handmade hiện đã mở xưởng sản xuất và bán hàng rộng khắp, không chỉ các địa phương trong tỉnh An Giang và vùng lân cận, mà còn vươn ra một số đơn vị ở miền Trung, miền Bắc, với doanh thu ổn định hằng tháng.
Anh Chau Kim Sêng và bạn Nguyễn Vũ Linh chỉ là hai trong số gần 100 gương đoàn viên được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang hỗ trợ, trao vốn khởi nghiệp, lập nghiệp; qua đó, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp An Giang cho biết, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung tâm được sự cam kết hỗ trợ 10 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Số tiền này để hỗ trợ cho thanh niên lứa tuổi từ 18 - 35, mức hỗ trợ 80 triệu đồng/dự án. Trường hợp thanh niên làm chủ doanh nghiệp, mức hỗ trợ tối đa là 200 triệu đồng/dự án. Tính đến tháng 11/2023, Quỹ đã hỗ trợ cho 86 cá nhân và doanh nghiệp thanh niên khởi nghiệp, tổng số tiền giải ngân trên 6,2 tỷ đồng.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Thực tiễn cho thấy, quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên thường gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hầu hết người khởi nghiệp đều gặp vướng mắc, khó khăn về vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Do đó, với vai trò là cầu nối, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình tập huấn về đổi mới sáng tạo, tham quan mô hình tiêu biểu, xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm... hỗ trợ các cá nhân, tập thể trên bước đường khởi nghiệp.
Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương (đặt tại phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên) đang là kênh quảng bá, tiêu thụ được người tiêu dùng tin tưởng. Thông qua hoạt động mua bán tại cửa hàng, những phản hồi của người tiêu dùng sẽ được chuyển đến người sản xuất để có những cải tiến phù hợp.
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy, cửa hàng là nơi trưng bày, giới thiệu, bán những sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên và các đặc sản địa phương chưa thể thương mại hóa, hoặc sản phẩm khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra với mong muốn mọi người sẽ ủng hộ hoạt động khởi nghiệp bằng cách mua và sử dụng những sản phẩm do chính thanh niên làm ra. Qua đó, động viên, khích lệ và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp không chỉ trong các bạn đoàn viên, thanh niên mà cho tất cả những người có đam mê và quyết tâm khởi nghiệp.
Hằng năm, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp An Giang tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để kết nối, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên đến với các nhà cung cấp, người tiêu dùng. Trung tâm tham gia hoạt động Kết nối cung - cầu công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức; tham dự Ngày hội mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt tại Siêu thị Mega Market (thành phố Long Xuyên); triển khai các đợt cao điểm Tháng thanh toán không dùng tiền mặt tại Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương; tham gia chợ Tết Công đoàn, Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang,…
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang Hồ Thị Hồng Phướng cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp, mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại lợi ích lớn cho tỉnh. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới có thể tạo ra những đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại, hình thành những doanh nghiệp lớn có giá trị, thu hút các nguồn lực chất lượng cao.
Đặc biệt, Kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 của UBND tỉnh An Giang xác định mục tiêu đến năm 2030, sẽ hỗ trợ ít nhất 350 thanh niên khởi nghiệp và ít nhất 25 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; đào tạo kỹ năng số cơ bản cho trên 90% thanh niên, trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên làm chủ sử dụng nền tảng số…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, Tỉnh Đoàn An Giang sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu các chính sách hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; kết nối giữa thanh niên có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với doanh nghiệp, doanh nhân và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, Tỉnh Đoàn đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp theo hướng xã hội hóa các nguồn lực. Các cấp Bộ Đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh.
Công Mạo