Kiên Giang: Nhiều dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên

Kiên Giang: Nhiều dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên

Ngày 18/11, tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang đã diễn ra vòng chung kết Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ III, năm 2023. Hội thi có sự tham gia của 20 dự án của 100 học sinh, sinh viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi, Hội thi hướng đến các ý tưởng/dự án thuộc các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ ; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông nghiệp, môi trường; dịch vụ, du lịch; kinh doanh tạo tác động xã hội; Giáo dục, Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Kiên Giang: Nhiều dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên ảnh 1Dự án “Thương mại hóa Bẫy diệt ruồi điện năng lượng mặt trời” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Qua Hội thi nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp; kích thích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về khởi nghiệp.

Đồng thời, cũng nhằm tìm kiếm và tôn vinh những tác giả và các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong các bạn trẻ để từ đó hỗ trợ, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ; phục vụ đời sống, đặc biệt là đối tượng yếu thế trong xã hội.

“Qua các vòng thi, Ban tổ chức đã chọn 20 dự án vào vòng chung kết và tất cả đều có tiềm năng, khả thi, thiết thực trong phục vụ đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Ví dụ như trong phục vụ nông nghiệp có dự án “Thương mại hóa bẫy diệt ruồi điện năng lượng mặt trời” - góp phần giải quyết bệnh trên cây trồng (ruồi vàng đục trái), giữ được năng suất và chất lượng nông sản sạch và bảo vệ môi trường. Còn dự án “Tiềm năng len nhỏ” góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, ông Nguyễn Xuân Niệm chia sẻ.

Kiên Giang: Nhiều dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Niệm, PGĐ Sở KH&CN Kiên Giang trao giải Nhất cho dự án “Thổi hồn vào đá”. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Em Danh Thị Mộng Kiều, Trưởng nhóm thực hiện dự án “Thổi hồn vào đá” của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang (Dự án đoạt giải Nhất Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ III năm 2023) chia sẻ, từ đầu năm 2023, khi nhóm thực hiện dự án đến nay đã bán ra thị trường trên 300 sản phẩm là những sản phẩm tranh vẽ trên các viên đá, tảng đá.

Kiều cũng cho biết, trước đây em cùng một vài người bạn học cùng trường có khiếu mỹ thuật hay vẽ vào những viên đá để trưng bày trong phòng học, hoặc tặng bạn bè và được mọi người yêu thích. Sau những phản hổi tích cực đó, nhóm của Kiều thấy tranh vẽ trên đá có tiềm năng, có thể khởi nghiệp được nên đã cùng thực hiện dự án mang tên “Thổi hồn vào đá”.

Hiện tại, nhóm em nhận được nhiều khách hàng đặt vẽ với nhiều chủ đề, như: những khung cảnh đặc trưng, biểu trưng, biểu tượng về địa phương… “Tranh đá của nhóm em bán với giá từ 10.000 đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm tùy chủ đề, kích cỡ đá. Nhờ khách hàng ủng hộ nên nhóm 5 sinh viên chúng em cũng có thu nhập để trang trải chi phí cho việc học và sắp tới nhóm sẽ giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội để được làm và bán nhiều sản phẩm hơn”, Danh Thị Mộng Kiều chia sẻ thêm.

Em Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang, Trưởng nhóm thực hiện dự án “Tiềm năng len nhỏ” (Dự án đoạt giải Nhì) cho biết, nhóm chọn thực hiện dự trên là vì thấy được thế mạnh phát triển du lịch của Kiên Giang, các sản phẩm quà tặng làm bằng len hướng đến phục vụ khách du lịch mua về làm quà tặng.

Kiên Giang: Nhiều dự án khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên ảnh 3Các nhóm đạt giải với Ban tổ chức hội thi Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

“Mặc dù thị trường có rất nhiều sản phẩm làm quà tặng, tuy nhiên, hầu hết được sản xuất công nghiệp nên nhóm chọn làm các sản phẩm handmade (làm bằng tay) từ len như: móc khóa, túi sách, trái cây, thú bông, phụ kiện thời trang như nơ kẹp áo, cài tóc… Hiện tại nhóm đã giới thiệu và cung ứng cho một số điểm du lịch để bán trực tiếp cho khách du lịch và bán hàng online với hơn 500 sản phẩm mỗi tháng”, Trâm chia sẻ.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho dự án “Thổi hồn vào đá” của nhóm sinh viên Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang; giải Nhì thuộc về dự án “Tiềm năng len nhỏ” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang; trao 2 giải Ba và các giải Chuyên đề, giải Tiềm năng, giải Khuyến khích cho các dự án đoạt giải.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm