Trong lịch sử của của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong số những cơ quan báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Dấu ấn phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người.
In đậm những lời dạy, dấu tay Người
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra hãng thông tấn nhà nước Việt Nam với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).
Ngày 23/8/1945 là ngày làm việc đầu tiên của VNTTX. Ngày 15/9/1945, đúng 13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ Đài vô tuyến Bạch Mai, phát đi toàn thế giới những bản tin mang ký hiệu viết tắt là: VNTTX, VNA, AVI, nội dung là toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, thông báo sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và danh sách Chính phủ lâm thời.
Thời khắc ấy được in đậm trong lịch sử thông tin nước nhà và trở thành Ngày truyền thống của VNTTX, nay là TTXVN.
Trong lịch sử phát triển của ngành, rất nhiều lần Bác đã thăm hỏi, động viên và chỉ dạy những người làm báo TTXVN. Năm 1952, Bác thăm cơ sở VNTTX tại Sơn Dương, Tuyên Quang và căn dặn cán bộ, phóng viên "Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi". 7 giờ 30 phút sáng ngày mùng 1 Tết Ất Mùi năm 1955, Bác gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức VNTTX: “Năm mới, cố gắng mới, thành công mới” và "Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và bảo đảm sự thật". Tết Mậu Tuất năm 1958, Bác cũng đã trực tiếp gọi điện thoại chúc Tết cán bộ, viên chức VNTTX. Vào tháng 5/1965, Bác mời đồng chí Hoàng Tuấn, Giám đốc VNTTX lên gặp và nêu các vấn đề tuyên truyền cụ thể trước mắt, phương hướng đưa tin, ảnh trong từng thời kỳ và lâu dài.
Bác rất coi trọng bản tin của VNTTX, vì theo Bác, đây là nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng với nhiều tin, bài phong phú, kịp thời và chính xác. Bác hầu như không bỏ sót bất cứ một tin quan trọng nào; trong đó Bác đặc biệt chú ý đến những tin quốc tế có liên quan đến Việt Nam, tin chiến sự ở miền Nam… Với những tin, bài quan trọng, nhất là các tài liệu tham khảo, Bác đều đánh dấu lại để đọc thêm vào buổi tối.
Đôi lúc do Bác đi công tác xa hoặc căn cứ vào tình hình sức khoẻ, Văn phòng Chủ tịch nước lại điểm những tin quan trọng và đều đặn gửi đến Bác và Bác rất chú ý lắng nghe. Những khi không có thời gian đọc thông tin trên báo, Người lại hỏi anh em văn phòng: “Tin VNTTX có gì đặc biệt không?”, “Thế VNTTX không có tin à?”. Hầu như các sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật, Bác đều chờ tin của TTXVN và không ít trường hợp Bác chỉ có ý kiến sau khi đã tham khảo đầy đủ các bản tin do TTXVN cung cấp.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho tập thể và những cán bộ, phóng viên, tạo điều kiện cho phóng viên trong khi tác nghiệp. Nguyên Phó Giám đốc VNTTX Lê Bá Thuyên đã vinh dự được tháp tùng Bác trong chuyến thăm các nước xã hội chủ nghĩa sau ngày miền Bắc giải phóng. Còn nhà báo Võ Thế Ái được tháp tùng Bác đi thăm công trình đập Thác Huống (Thái Nguyên) để viết tin, bài tường thuật. Nhà báo Lâm Hồng Long được Bác thân mật tặng thuốc lá... Một số phóng viên TTXVN hiện vẫn còn giữ được những bản tin được Bác tự tay sửa lại từ dấu chấm, dấu phẩy, từng cách đặt câu cho ngắn gọn, súc tích.
Bác cũng ân cần chỉ bảo và truyền lại những kinh nghiệm quý về làm báo, đó là: Phải nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng. Viết phải công bằng, đúng liều lượng. Đưa tin gọn thôi, đừng miêu tả. Không biết thì học. Học rồi sẽ biết. Đừng dại mà giấu dốt. Biết chữ còn phải biết nghĩa nữa...
Trước lúc đi xa, Bác còn nhận xét về bản tin nhanh 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lần nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin của TTXVN. Và mặt sau của tờ Tin Tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3/5/1969 đã ghi dấu bút tích đoạn mở đầu Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước lúc Người đi xa.
Hiện nay, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn còn dấu tích thể hiện sự quan tâm của Người dành cho VNTTX. Đó là 12 tập bản tin do VNTTX phát hành từ ngày 5/8/1969 đến ngày 18/8/1969. Trong đó, có 9 tập Người đã để lại bút tích.
TTXVN thực hiện lời dạy của Bác
Tình thương yêu và sự quan tâm của Bác mãi là niềm vinh dự, tự hào, là động lực cho các thế hệ cán bộ, nhân viên toàn ngành hôm nay tiếp tục phát triển TTXVN xứng đáng là cơ quan phát ngôn chính thức của Chính phủ Việt Nam, trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, là hãng thông tấn quốc gia có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tin tức của TTXVN là một kênh thông tin quan trọng giúp Trung ương có thêm căn cứ chỉ đạo hoạt động trên chiến trường và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước và trên thế giới. Những thông tin “nóng hổi” từ các mặt trận đã góp phần khơi dậy ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tạo động lực cho các phong trào thi đua sôi nổi ở cả tiền tuyến và hậu phương.
Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, sản xuất thông tin và trang thiết bị kỹ thuật. Từ một cơ quan thông tấn với số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu, TTXVN nay đã trở thành một một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, với trên 60 sản phẩm thông tin thuộc mọi loại hình (báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình, báo điện tử), được thực hiện bởi đội ngũ trên 1.000 phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước (trong tổng số trên 2.200 cán bộ, công nhân viên toàn ngành), TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước. Hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đóng tại các địa bàn trọng điểm trên khắp các châu lục là một ưu thế của TTXVN mà không một cơ quan báo chí nào khác ở Việt Nam có được.
Là trung tâm thông tin đối ngoại quan trọng nhất của cả nước, TTXVN có các bản tin nguồn phát ra thế giới bằng 6 thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Nga và Tây Ban Nha cùng các tờ báo in, báo điện tử... xuất bản bằng 9 ngoại ngữ.
TTXVN được giao nhiệm vụ xuất bản các ấn phẩm báo chí bằng ngôn ngữ của tất cả các dân tộc thiểu số có chữ viết ở Việt Nam (hiện Báo ảnh song ngữ Dân tộc & Miền núi được xuất bản bằng tiếng Việt và 12 tiếng dân tộc thiểu số).
Luôn nỗ lực thực hiện tốt chức năng của một hãng thông tấn quốc gia, cung cấp kịp thời thông tin thời sự về mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với một nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục; đồng thời trực tiếp đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng bằng các sản phẩm truyền thông đa dạng, hấp dẫn trên nền tảng công nghệ hiện đại, TTXVN giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu có vai trò định hướng thông tin, là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Suốt chặng đường 75 năm đồng hành cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, TTXVN tự hào là cơ quan báo chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005); và Thông tấn xã giải phóng vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2020). Đây chính là sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của TTXVN trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Diệp Ninh (tổng hợp)