Hướng tới kỷ niệm 60 Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 - 12/10/2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chiều 8/10, Đoàn Thanh niên Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam và Đoàn Thanh niên Công ty TNHH Một thành viên ITAXA tổ chức chương trình giao lưu “Thông tấn xã Giải phóng Anh hùng - Tiếp nối truyền thống vẻ vang”.
Tham dự buổi giao lưu có nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), đại diện lãnh đạo Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, Công ty TNHH Một thành viên ITAXA và gần 100 đoàn viên của hai đơn vị.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phan Văn Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam nhấn mạnh, giáo dục truyền thống của ngành là nét đẹp đã được các thế hệ cán bộ, nhân viên Thông tấn xã duy trì suốt thời gian qua.
Chương trình giao lưu “Thông tấn xã Giải phóng - Tiếp nối truyền thống vẻ vang” là dịp để đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công nhân viên Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và Công ty TNHH Một Thành viên ITAXA giao lưu với thế hệ phóng viên, nhân viên TTXGP.
Buổi giao lưu đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập TTXGP và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Qua đó, giúp thế hệ phóng viên, nhân viên trẻ của hai đơn vị hiểu và tự hào về truyền thống anh hùng của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng và TTXVN nói chung.
Tại buổi giao lưu, nhà báo Nguyễn Thanh Bền đã chia sẻ về quá trình thành lập TTXGP (ngày 12/10/1960) trong bối cảnh lịch sử chung của chiến trường miền Nam, cũng như quá trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP trong giai đoạn 1960 - 1975.
Bày tỏ sự xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm tác nghiệp trong điều kiện chiến tranh, nhà báo Nguyễn Thanh Bền chia sẻ: Lực lượng TTXGP tại miền Nam lúc bấy giờ rất mỏng, trong khi yêu cầu thông tin lại rất nặng nề.
Chính vì vậy, trong lúc chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, nhất là chuẩn bị cho giai đoạn quyết định giải phóng miền Nam, Việt Nam Thông tấn xã khi đó đã tuyển gần 150 sinh viên ưu tú của các trường đại học tại Hà Nội để đào tạo nghiệp vụ.
Đây là lớp phóng viên có quy mô lớn nhất, chất lượng, tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng ở chiến trường miền Nam. Dù đến từ hai miền khác nhau nhưng đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên TTXGP luôn đoàn kết, một lòng cùng nhau thực hoàn thành nhiệm vụ thông tin được các cấp lãnh đạo phân công.
“Có những đợt giặc càn quét, 5 -7 ngày vẫn chưa hoàn thành được một bản tin, có những bản tin chỉ phát được một nửa thì gặp sự cố…nhưng lòng tự trọng của một phóng viên luôn nhắc nhở chúng tôi phải tranh thủ viết tin nhanh nhất, kể cả trên đường di chuyển từ chiến trường về căn cứ”, nhà báo Nguyễn Thanh Bền kể.
Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, nhà báo Thanh Bền cho biết: Phóng viên chiến trường không chỉ có nhiệm vụ làm thông tin mà trong mọi hoàn cảnh phải tìm cách để tồn tại. Chiến tranh ác liệt, công tác chi viện lương thực khó khăn, nhiều lúc anh em phóng viên phải phân công nhau đi tải lương thực, làm rẫy, tăng gia sản xuất mới “đủ ăn”.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng đội ngũ cán bộ, phóng viên, điện báo viên TTXGP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, luôn duy trì làn sóng điện, có tin bài, ảnh nhanh nhất có thể, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân miền Nam.
Sau khi nghe nhà báo Nguyễn Thanh Bền chia sẻ về quá trình tác nghiệp, những khó khăn, nguy hiểm mà một phóng viên chiến trường trải qua, phóng viên Đặng Công Mạo, Cơ quan thường trú TTXVN tại An Giang bày tỏ xúc động: Những câu chuyện đó đã giúp thế hệ phóng viên trẻ hiểu và tự hào hơn về truyền thống của ngành Thông tấn. Được vinh dự trở thành phóng viên TTXVN, thế hệ phóng viên trẻ luôn ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước đối với việc duy trì dòng thông tin chính thống, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong thời bình./.
Xuân Anh - An Hiếu