60 năm quan hệ Việt Nam-Lào: Triển lãm "Đặc trưng văn hóa vùng biên giới và tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào" sẽ diễn ra tại Điện Biên

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Triển lãm "Đặc trưng văn hóa vùng biên giới và tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào" trong khuôn khổ Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên, năm 2022. Triển lãm được giao cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và các đơn vị liên quan thực hiện.

60 nam quan he Viet Nam-Lao: Trien lam "Dac trung van hoa vung bien gioi va tinh doan ket huu nghi Viet-Lao" se dien ra tai Dien Bien hinh anh 1Trình diễn trang phục của các dân tộc Lào tại Tết cổ truyền Bunpimay ở Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào với chủ đề "Thắm tình hữu nghị - Hướng tới tương lai" là một sự kiện văn hoá, chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trong hướng tới Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022). Sự kiện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2022 sẽ góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào; qua đó khẳng định quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc duy trì, củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Theo kế hoạch, Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Khoảng 2.500 người đến từ 9 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Bình, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum và 10 tỉnh nước bạn Lào có chung tuyến biên giới với Việt Nam gồm Louangphabang, Huaphanh, Attapeu, Sekong, Xiengkhuang, Bolikhamsai, Khammuane, Savannakhet, Saravane và Phongsaly sẽ tham gia Ngày hội.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ý nghĩa. Đó là trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; trình diễn trang phục dân tộc; trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên cạnh đó là Liên hoan văn nghệ quần chúng với chủ đề "Thắm tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào"; Triển lãm cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào thi đấu các môn thể thao (kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tù lu, tung còn); tổ chức các chương trình Famtrip, khảo sát du lịch, trải nghiệm và hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Lễ khai mạc Ngày hội dự kiến được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên …

Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam trong công cuộc đổi mới hội nhập, phát triển. Ngày hội cũng là hoạt động thiết thực góp phần giữ gìn, phát huy, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Thanh Giang

Tin liên quan

60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Thắm tình hữu nghị bên dòng sông Mã

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La nằm ở vị trí biên giới quan trọng, nơi có con sông Mã chảy từ thượng nguồn đổ xuôi đổi dòng chạy qua Lào, sau đó trở lại Việt Nam. Dòng sông Mã uốn lượn như dải lụa dài vô tận, gắn kết lại với nhau như mối tình của tạo hóa, minh chứng cho tình đất, tình người thủy chung, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, nhân dân hai huyện Sông Mã (Sơn La) và Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào) nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc.


60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Thắm tình hữu nghị nơi vùng cao biên giới Thanh Hóa

Tuy địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống nhân dân còn khó khăn nhưng bản Xắng Hằng, xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa và bản Cân, cụm Phon Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau giống lúa, giống ngô, chuyển giao kĩ thuật mới trong sản xuất; nhân dân hai bản cũng luôn phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa. Nhờ đó, tình đoàn kết hai bên được giữ vững, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.


Ấm áp tình hữu nghị Việt - Lào nơi vùng cao Quan Sơn

Dù địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa và bản Lơi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào luôn chung sống hòa bình, hữu nghị. Đặc biệt, năm 2014, hai bản đã kết nghĩa, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự ổn định khu vực biên giới.


Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2019:

Với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển", Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung - Tây nguyên năm 2019, diễn ra từ ngày 17 - 19/5, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày hội đã góp phần quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên giới Việt - Lào.



Đề xuất