Trước tình hình khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn diễn ra gay gắt, nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận đang phải đối mặt với không ít khó khăn do thiếu nguồn nước phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, nhất là nước sinh hoạt. Để đáp ứng nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương triển khai các giải pháp quản lý tích nước, đưa nước thô từ các hồ chứa về nhà máy xử lý, bơm bổ sung cấp nước cho các nhà máy nước, sử dụng giếng bơm tay hoặc chở nước đến cấp cho người dân sinh hoạt, đảm bảo không để xảy ra tình trạng người dân phải thiếu nước sinh hoạt.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, do mùa khô năm 2024 kéo dài, lượng mưa thấp kết hợp với nắng nóng nên việc thiếu nước sinh hoạt nông thôn sẽ xảy ra gay gắt trong thời gian tới. Hiện một số nguồn nước suối như: Suối Lạnh; Ô Căm; Lồ Ồ; Kiền Kiền; A Nhân; Ma Nhông; Tập Lá… đã giảm. Trong thời gian tới, nếu thời tiết không có mưa, diễn biến bất thường thì một số khu vực sẽ thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xây dựng phương án cấp nước cụ thể cho từng nhà máy, phương án cấp nước liên thông giữa các nhà máy với nhau để kịp thời điều phối, đưa nước đến cho người dân sinh hoạt ổn định.
Ông Dương Đình Phương - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Trung tâm hiện có và quản lý 40 hệ thống nhà máy cấp nước ở 6 huyện trong tỉnh. Hiện nay, một số địa phương tuy có khó khăn về nguồn nước nhưng nước sinh hoạt vẫn được đảm bảo cho người dân. Một số nơi như ở xã Phước Bình (huyện Bác Ái); xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn), Trung tâm đang khơi thông dòng chảy để tích nước, cấp cho các nhà máy cấp nước ở địa phương để xử lý đảm bảo chất lượng nước đưa về cho người dân sinh hoạt.
Thời gian tới nếu thời tiết không có mưa, gần 5.300 hộ với trên 17.500 nhân khẩu đang sinh sống tại 6 khu vực của Nhà máy cấp nước Cầu Gãy - Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải); Nhà máy cấp nước Hòa Sơn; Nhà máy cấp nước xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn); Nhà máy cấp nước Ma Lâm; Nhà máy cấp nước Phước Bình (huyện Bác Ái); Nhà máy cấp nước Tập Lá (huyện Thuận Bắc) sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Ông Dương Đình Phương cho biết thêm, giải pháp sắp tới mà Trung tâm nước sẽ thực hiện là khơi thông dòng chảy lấy nước từ các kênh, mương có nước để đưa về trạm bơm chống hạn, bơm cấp cho một số nhà máy nước. Nếu trường hợp một số nơi không còn nước, Trung tâm nước sẽ phối hợp với địa phương, lực lượng quân sự, công an… doanh nghiệp chở nước đến phục vụ nhân dân.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cũng đang tăng cường biện pháp quản lý điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung, tổ chức vận hành các công trình đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch giữa các nhà máy với nhau. Đồng thời dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất, bơm nước ở các hồ dưới mực nước chết đưa đến nhà máy xử lý, đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế trước khi cấp cho người dân sinh hoạt.
Ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, Công ty quản lý tất cả 23 hồ chứa với dung tích thiết kế trên 417 triệu m3. Một số hồ chứa ngoài việc sử dụng nước phục vụ cho sản xuất, còn phục vụ cho cả sinh hoạt của người dân thông qua các hệ thống nhà máy cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận quản lý.
Hiện nay, lượng nước ở 23 hồ chứa chỉ còn khoảng 152 triệu m3, một số hồ có mực nước thấp hơn mực nước chết. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi cũng tăng cường quản lý nguồn nước ở các hồ chứa, ưu tiên nguồn nước ở các hồ chứa như Tân Giang, Sông Trâu, Bà Râu, Nước Ngọt, Hồ Sông Sắt để cung cấp nước thô cho các hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Tinh thần ứng phó với hạn hán của tỉnh đó là không để người dân thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói và không để phát sinh dịch bệnh trong mùa khô hạn. Thời gian tới, nếu hạn hán kéo dài, thiếu nước sinh hoạt, các địa phương, các đơn vị liên quan và lực lượng chức năng sẽ cùng phối hợp chở nước sinh hoạt phục vụ cho người dân.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện việc chở nước sinh hoạt cấp cho người dân ở từng địa bàn khó khăn về nguồn nước, không để thiếu nước ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong mùa khô hạn này. Đồng thời, vận động nhân dân đào ao, khoan giếng để bổ sung nguồn nước sinh hoạt, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong bối cảnh có thể hạn hán kéo dài.
Công Thử