Nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân tỉnh Yên Bái

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; chú trọng tập huấn trang bị kỹ năng xử lý tình huống, phương tiện chữa cháy cho người dân, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy, nổ trên địa bàn.

Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền tại cơ sở

Thông tin từ Công an tỉnh Yên Bái cho biết, trên toàn tỉnh đã thành lập và duy trì được gần 7.500 đội chữa cháy dân phòng cơ sở, với gần 80.000 đội viên tham gia. Cùng với lực lượng lượng chuyên ngành, lực lượng chữa cháy cơ sở làm nòng cốt tạo nên phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy; đồng thời là cánh tay nối dài, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy đối với người dân.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, lực lượng chữa cháy dân phòng cơ sở đóng vai trò quan trọng, không chỉ là lực lượng tham gia chữa cháy khi có sự cố mà còn phổ biến kiến thức phòng cháy hằng ngày tới từng gia đình, từng người dân, sát với tình huống thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư cụ thể.

320294_phat-huy-chay.jpg
Cán bộ Công an thành phố Yên Bái tập huấn cho người dân sử dụng bình chữa cháy đúng cách. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Thông qua đội chữa cháy dân phòng cơ sở, các hình thức tuyên truyền được triển khai hiệu quả hơn, đa dạng các nội dung và phù hợp với từng đối tượng. Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp nhằm đổi mới nội dung, tạo sự hấp dẫn trong các hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn tỉnh Yên Bái đã đăng tải hơn 750 tin, bài, phóng sự về công tác phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan chức năng tổ chức hơn 1.000 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho hơn 150.000 người tham dự và 12 cuộc tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm.

Ông Đỗ Đình Quý, Chủ tịch UBND phường Nam Cường, thành phố Yên Bái cho rằng, nội dung tuyên truyền đã được đổi mới, rất thiết thực, người dân dễ nhớ, dễ áp dụng vào thực tế, phù hợp với các đối tượng. Công tác tuyên truyền được làm thường xuyên, liên tục, rộng khắp đã trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.

Bên cạnh đó, các khu dân cư đã lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy trong các buổi sinh hoạt đảng, các đoàn thể và họp khu dân cư; vận động nhân dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” và tài khoản “Cục Cảnh sát PCCC và CNCH” trên Zalo; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy tới từng hộ gia đình, từng cơ sở sản xuất kinh doanh.

Chú trọng tập huấn, diễn tập cấp cơ sở

Với phương châm “phòng cháy, hơn chữa cháy”, từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó đặc biệt chú trọng phương án thực hành diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, tại các hộ gia đình. Qua đó, giúp cho mỗi người dân nắm vững quy trình, các bước trong việc thực hiện chữa cháy, cứu người và hỗ trợ di dời tài sản.

Từ thực tế ghi nhận, đa số những vụ cháy trên địa bàn tỉnh Yên Bái được nhân dân phát hiện sớm, cứu chữa kịp thời nên thiệt hại ít, ngăn chặn cháy lây lan. Điều đó cho thấy, mọi hoạt động phòng cháy, chữa cháy trước hết phải được xử lý bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Nhờ đó, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 162 vụ cháy, tuy nhiên không để xảy ra cháy nổ lớn, nghiêm trọng.

Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, thông qua diễn tập thực tế tại cơ sở đã cập nhật kỹ năng xử lý cho người dân khi gặp các tình huống cháy, nổ và thoát nạn; giúp người dân biết sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Đặc biệt, hoạt động giúp người dân có tâm lý bình tĩnh ứng phó, không bị hoảng loạn trước sự cố cháy, nổ; nhanh chóng vận dụng đúng đắn, sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã học vào tình huống thực tế.

306009_noi-bat-pccc.jpg
Người dân phường Minh Tân, thành phố Yên Bái thực hành kỹ năng khóa bình gas, ngăn chặn cháy lan. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Công tác diễn tập với các tình huống giả định tại những nơi có mật độ dân số đông, nhiều cơ sở kinh doanh nằm đan xen khu dân cư tập trung được đặc biệt quan tâm. Ông Đoàn Văn Khả, Đội trưởng Đội chữa cháy dân phòng phố Hồng Phúc, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho rằng, cần tiếp tục thành lập, kiện toàn tổ liên gia và điểm phòng cháy, chữa cháy công cộng, đảm bảo trong "thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra, lực lượng dân phòng có mặt để xử lý các biện pháp dập lửa bước đầu.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh vẫn xảy ra 26 vụ cháy nổ, thiệt hại ước tỉnh trên 2,4 tỷ đồng, điều đó cho thấy còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, Đại úy Hoàng Mạnh Giống, Phó Trưởng Công an phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho rằng, cần thành lập và nhân rộng nhiều mô hình tự quản, điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”, coi đây là một trong những tiêu chí bắt buộc để xét cơ quan, đơn vị, trường học, xã, phường, thị trấn an toàn về An ninh trật tự.

Đại úy Hoàng Mạnh Giống cũng cho rằng, cần tiếp tục lắp đặt chuông báo cháy và nút ấn báo cháy trong và ngoài nhà, được kết nối liên thông giữa các hộ; yêu cầu 100% hộ gia đình trang bị từ 1-2 bình chữa cháy xách tay, tối thiểu một dụng cụ phá dỡ và mặt nạ chống độc cho người trực tiếp tham gia cứu hộ.

Đồng thời, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình tuân thủ pháp luật, nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy thông dụng; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm