Nâng chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Bình Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 104.000 người thuộc 34 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Chăm chiếm hơn 40%. Những năm qua, để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng Chăm, Bình Thuận luôn chú trọng và duy trì thường xuyên công tác dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong trường học.

4f62525f-ca87-41af-b5a5-d30983327e79.jpeg
Dạy tiếng Chăm cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Hiện nay, tiếng Chăm là tiếng dân tộc thiểu số duy nhất được dạy trong các trường học ở Bình Thuận. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai môn học này đến cấp tiểu học tại 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Năm học 2022- 2023, tỉnh triển khai dạy môn tự chọn tiếng Chăm tại 12 trường tiểu học, 132 lớp với 3.683 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Bình Thuận hiện có 72 giáo viên có chứng nhận bồi dưỡng giảng dạy tiếng Chăm.

Ngoài việc dạy tiếng Chăm trong nhà trường, vào dịp lễ hội Katê, các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch, tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, tháp PosahInư... Từ đó, giúp học sinh thêm yêu thích, tự hào về ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc Chăm.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, việc dạy học tiếng Chăm được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết tiếng Chăm; đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người Chăm, trong việc dạy ngôn ngữ, văn hóa, tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, việc dạy học tiếng Chăm là một giải pháp thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống của đồng bào Chăm.

Tuy nhiên, việc dạy học tiếng Chăm trong trường học hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như: không còn biên chế giáo viên dạy riêng tiếng Chăm; giáo viên thiếu so với quy định nên việc bố trí dạy đủ tiết môn tiếng Chăm ở một số trường chưa đảm bảo, khó khăn trong thụ hưởng chế độ quy định. Mặt khác, bộ thiết bị dạy học tiếng Chăm theo chương trình mới chưa được ban hành đưa vào sử dụng, phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và học tiếng Chăm tại các trường học…

Để góp phần bảo tồn và phát huy, gìn giữ các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu đảm bảo cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học; thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, đủ số lượng giáo viên phục vụ công tác dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học. Tỉnh phấn đấu 80% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đảm bảo rèn luyện cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng dân tộc thiểu số, góp phần rèn luyện tư duy và bổ trợ học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác, chương trình hướng tới mục tiêu bồi dưỡng tình yêu tiếng "mẹ đẻ" cho học sinh, góp phần bảo tồn, phát triển nhân cách cho học sinh.

Đến năm 2030, Bình Thuận tiếp tục triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số tại các trường tiểu học vùng có đông học sinh dân tộc; đồng thời tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số tại các trường trung học cơ sở. Tỉnh đưa ra mục tiêu đảm bảo cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo; thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Để chương trình mang lại hiệu quả, Bình Thuận ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, tỉnh duy trì chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vùng dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm