150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ dự khai mạc Hội nghị COP 21

150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ dự khai mạc Hội nghị COP 21

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, việc hội nghị COP 21 vẫn được tổ chức tại Paris đúng như dự kiến trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua thảm kịch khủng bố đẫm máu làm 130 người chết và 350 người bị thương ngày 13/11 cho thấy nỗ lực vượt bậc của Pháp nhằm đảm bảo an ninh cho hội nghị và các đại biểu tham dự, cũng như quyết tâm cao độ nhằm gắn kết các nước trong một nỗ lực chung để đạt được một sự thỏa hiệp, cho phép ký kết một văn kiện hoàn chỉnh mang tính pháp lý nhằm cứu Trái Đất khỏi thảm họa biến đổi khí hậu. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Trong năm qua, kể từ hội nghị COP 20 diễn ra vào tháng 12/2014 tại Peru, Pháp với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị COP 21 đã vượt qua một chặng đường gian nan với những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang khiến Trái Đất nóng lên, giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 tăng không quá 2°C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. 

Pháp cũng đã chi khoảng 170 triệu euro để chuẩn bị các điều kiện vật chất và hậu cần, đảm bảo để hội nghị diễn ra suôn sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thương lượng gay cấn giữa các bên về các giải pháp nhằm kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và khả năng huy động hàng năm được 100 tỷ USD từ năm 2020 trở đi để giúp các nước nghèo chuyển đổi mô hình năng lượng, ứng phó bền vững với hiện tượng biến đổi khí hậu. 

Trước đó, ngày 29/11, ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã lên lịch làm việc cho 12 ngày thương thuyết đồng thời phân chia các chuyên gia thành 15 nhóm để thảo luận theo những chủ đề cụ thể như tốc độ phù hợp để giảm lượng phát thải carbon giữa các nước khác nhau có tính đến quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của các nước đó, các biện pháp chuyển giao công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo, những giải pháp tài chính, sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng năng lượng sạch và đầu tư vào công nghệ mới… Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi phát ra 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, được kỳ vọng sẽ đưa ra các cam kết cắt giảm ở mức cao, đóng góp tích cực vào quá trình làm chậm lại việc nóng lên của Trái Đất. 

Tổng thống Pháp Francois Hollande đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Tổng thống Pháp Francois Hollande đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Ngay trước thềm lễ khai mạc chính thức hội nghị COP 21, chiều 29/11, khoảng 5.000 người đã biểu tình ở quảng trường Cộng hòa tại Paris, mặc dù có lệnh cấm biểu tình trước đó do nước Pháp đang trong “tình trạng khẩn cấp”. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra khi một số người biểu tình quá khích sử dụng nến và hoa đặt dưới chân tượng đài tại quảng trường Cộng hòa nhằm tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong loạt vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 và ném về phía cảnh sát, buộc cảnh sát phải dùng các biện pháp mạnh để trấn áp. Sau cuộc đụng độ, cảnh sát đã thẩm vấn 289 người và bắt tạm giam 174 đối tượng do các hành vi bạo lực. 

Trên toàn thế giới, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình đòi các nhà lãnh đạo thế giới phải có quyết tâm chính trị và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ chống hiện tượng biến đổi khí hậu./. 

   

Có thể bạn quan tâm