120 năm hình thành Sa Pa: nơi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, khí hậu độc đáo

120 năm hình thành Sa Pa: nơi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, khí hậu độc đáo

Thị trấn Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng rừng rậm, âm u thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 120 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của sở địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ trên tỷ lệ 1/100.000 đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là (Cao trạm Sa Pa). Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.

120 năm hình thành Sa Pa: những dấu mốc chính

Theo sử sách, Sa Pa xưa vốn gọi là Hùng Hồ, nghĩa là Suối Đỏ, thuộc châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Vùng Hùng Hồ này trước đây người dân thường xuyên họp chợ trên một bãi cát ở quãng cây số 32 tính từ Lào Cai vào Sa Pa. Bãi cát tiếng Quan hoả, phát âm là Sa Pả - Sa là cát và Pả là bãi. Sau này người Pháp và người châu Âu nói chung do không phát âm được dấu nên Sa Pả được đọc thành Sa Pa, và Sa Pa trở thành tên gọi cho đến nay.

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sa Pa là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách Thủ đô Hà Nội 315 km, cách trung tâm tỉnh lỵ 34 km. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng những nguồn lực kỳ diệu về cảnh sắc, khí hậu, tài nguyên.

Sa Pa nằm trên độ cao 1.600 m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km, trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, với đỉnh Phan Xi Păng được mệnh danh là "nóc nhà Ðông Dương", cao 3.143 m, có hệ động, thực vật vô cùng phong phú của Vườn quốc gia Hoàng Liên, được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Sa Pa còn có Bãi đá cổ nằm trong thung lũng Mường Hoa rộng 3 km2 với khoảng trên 200 hòn đá kích thước khác nhau được chạm khắc nhiều hình vẽ tả thực, hoa văn, dấu hiệu của chữ viết cho đến nay vẫn chưa được giải mã.

Sa Pa có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và khí hậu độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng là tiết trời mùa xuân; buổi trưa tiết trời như mùa hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát; buổi chiều mây và sương rơi tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông; nhiệt độ trung bình trong năm từ 15ºC đến 18ºC, nhiều khi xuống dưới 0ºC và có năm có tuyết rơi. Do khí hậu ôn hòa, nên Sa Pa trồng được các cây hoa ôn đới, đặc biệt là hoa phong lan; các cây thuốc miền Bắc như nấm linh chi; gây giống hạt rau và hoa.

Đây là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc: Kinh, H’Mông, Dao, Tày, Dáy và Xá Phó với nhiều di tích, lễ hội, phong tục tập quán, kiến thức bản địa, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Chợ Văn hóa - Giao duyên Sa Pa (Chợ tình).

Ngược dòng thời gian, năm 1897, chính quyền thuộc địa Pháp đã quyết định mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở Ðịa lý Ðông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.

Năm 1905, người Pháp đã tiến hành thu thập những thông tin về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp.

Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng.

Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên.

Năm 1920, tuyến đường Hà Nội-Lào Cai hoàn thành, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự, được mệnh danh là "kinh đô nghỉ mát mùa hè" của toàn cõi Ðông Dương thời ấy.

Để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, năm 1925, người Pháp đã xây dựng trạm thủy điện Cát Cát công suất 100 KW (cách Trung tâm thị trấn Sa Pa 4 km) cung cấp điện cho thị trấn Sapa.

Năm 1930, hệ thống đường được trải nhựa, hệ thống nước ăn phục vụ Sa Pa được thiết lập. Cũng từ đó Sa Pa chính thức trở thành thị trấn với những con phố đầu tiên: phố Khách, phố An Nam, phố Xuân Viên.

Ngoài các khách sạn và biệt thự, người Pháp còn cho xây dựng một loạt nhà nghỉ phục vụ quan chức Pháp của Sở thống sứ Bắc Kỳ, Chánh sứ Lào Cai. Quân đội Pháp cũng cho xây dựng nơi đây 2 biệt thự lớn dành cho sỹ quan với tên gọi chung là Villa Mengon, người Sa Pa quen gọi là Sở ông Sáu. Đến năm 1943, Sa Pa có 200 biệt thự lớn nhỏ. Tuy nhiên, đến nay những biệt thự này không còn nhiều.

Lịch sử Sa Pa thăng trầm, có những thời điểm bị tàn phá do chiến tranh, nhưng rồi sức sống của miền đất kỳ vĩ và giàu bản sắc dân tộc đã vượt lên gian khó. Ðược sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương đã mở hướng và tiếp thêm nguồn lực mạnh mẽ để Sa Pa hôm nay ngày thêm phát triển, xứng danh là điểm nhấn du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá bản sắc dân tộc ở vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Sa Pa hôm nay đã trở thành Khu Du lịch quốc gia

Trải qua 120 năm hình thành, phát triển kể từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón khách, Sa Pa hôm nay đã trở thành Khu Du lịch quốc gia, luôn nằm trong top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Sa Pa đã đón 200 nghìn lượt khách vào năm 2003; 800 nghìn lượt năm 2013. Năm 2023 dự kiến, số lượt khách đạt 3,5 triệu lượt, chiếm gần 60% lượt khách đến tỉnh Lào Cai.

Trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, người dân Sa Pa đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng và rất độc đáo. Với tài nguyên du lịch hấp dẫn, ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Sa Pa có lợi thế quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch, là Khu Du lịch quốc gia giàu bản sắc và từng bước vươn tầm quốc tế.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến năm 2040, hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông đối ngoại của Sa Pa sẽ được tập trung mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện nhằm góp phần đạt mục tiêu xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.

Ngày 20/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 266/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến năm 2040.

Trên cơ sở các dự báo về quy mô dân số, lượng khách du lịch, nhằm giảm thiểu những hạn chế về cơ sở hạ tầng của khu du lịch và đô thị Sa Pa, theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Sa Pa sẽ được đầu tư xây dựng, hoàn thiện phục vụ phát triển du lịch, vận tải hành khách và đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Các bãi đỗ trực thăng tại khu trung tâm thị xã Sa Pa và tại các phân khu Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van, Thanh Bình... cũng được xây dựng để phục vụ hoạt động tham quan du lịch, cứu hộ cứu nạn.

Đối với đường bộ, đến năm 2040, hệ thống giao thông đối ngoại kết nối đô thị du lịch Sa Pa sẽ được nâng cấp, hoàn thiện và xây mới như: nâng cấp mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (đoạn Yên Bái-Lào Cai) lên tối thiểu 4 làn xe; mở rộng và hoàn thiện tuyến đường kết nối từ đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến đô thị Sa Pa kết nối với Lai Châu quy mô 4 làn xe; điều chỉnh tuyến đường tránh qua khu vực trung tâm thị xã Sa Pa thành quốc lộ 4D.

Lào Cai sẽ xây dựng tuyến đường mới từ quốc lộ 4D nối tuyến hầm đường bộ Hoàng Liên theo hướng Đông Tây tại vị trí phường Ô Quý Hồ nhằm hỗ trợ giao thông tuyến quốc lộ 4D, tăng cường kết nối Sa Pa với Lai Châu.

Đồng thời, điều chỉnh các tuyến tỉnh lộ 152, tỉnh lộ 155 thành quốc lộ; nâng cấp tuyến tỉnh lộ 152 quy mô tối thiểu đường cấp 4 miền núi nhằm kết nối đô thị Sa Pa với Cảng hàng không Sa Pa; nâng cấp tuyến tỉnh lộ 155 từ trung tâm Sa Pa đi huyện Bát Xát (theo hướng xã Ngũ Chỉ Sơn) quy mô tối thiểu đường cấp 4 miền núi.

Ngoài ra, Lào Cai sẽ xây dựng tuyến đường kết nối từ trung tâm Sa Pa đi huyện Bát Xát (theo hướng xã Tả Phìn-tỉnh lộ 155-sân golf Bát Xát) quy mô tối thiểu đường cấp 4 miền núi; xây dựng mới tuyến tỉnh lộ 152C từ phường Cầu Mây đi xã Thanh Bình kết nối với Cảng hàng không Sa Pa và đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai với quy mô tối thiểu đường cấp 4 miền núi.

Theo quy hoạch, cấu trúc không gian tổng thể của Khu du lịch quốc gia Sa Pa gồm 3 hành lang, 1 trung tâm, 4 vệ tinh, 4 vùng phát triển. Trung tâm là khu vực “lõi” nội thị của trung tâm Sa Pa với tổng diện tích 6.090 ha. Các vệ tinh gồm Tả Van, Thanh Bình, Ngũ Chỉ Sơn và Tả Phìn.

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Sa Pa, xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa phát triển bền vững, mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Lào Cai quyết định tổ chức kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa với hơn 20 sự kiện hấp dẫn và nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa gắn với kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Lào Cai. Các hoạt động, sự kiện đặc sắc sẽ diễn ra từ quý 2 đến hết năm 2023.

Phương Anh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm