Sửa chữa, kiên cố hóa hệ thống kênh thuộc Hệ thống thủy nông Đồng Cam. Ảnh: Thế Lập – TTXVN. |
Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Phú Yên được gắn với xây dựng nông thôn mới nên thuận lợi trong điều hành. Từng lĩnh vực được tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung và dựa theo lợi thế của từng vùng.
Trong trồng trọt, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực như: lúa, sắn, mía, hồ tiêu, cao su. Các cây trồng khác được chuyển đổi sản xuất linh hoạt gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng được khuyến khích áp dụng ở tất cả các khâu.
Chăn nuôi được phát triển theo lợi thế của từng vùng; chuyển dần từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Đàn bò hiện có hơn 198.000 con, tỷ lệ lai chiếm 73%/tổng đàn. Các loại gia cầm có tổng đàn hơn 3,6 triệu con… Giá trị gia tăng bình quân tăng 6%/năm.
Thủy sản là một trong những lợi thế lớn của tỉnh Phú Yên nên được chú trọng thực hiện tái cơ cấu. Phát triển thủy sản theo hướng khai thác và bảo vệ nguồn lợi và nuôi trồng. Về khai thác, cá ngừ đại dương vẫn là sản phẩm chủ lực và thế mạnh của Phú Yên. Hình thức kinh tế sản xuất theo chuỗi giá trị đã được hình thành và phát huy trong khai thác, thu mua và chế biến cá ngừ đại dương. Đối với nuôi trồng, tôm hùm, tôm thẻ mang lại giá trị lớn trong xuất khẩu…
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, một số mô hình đã mang lại hiệu quả trong sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân như: trồng rừng kinh tế với những cây có giá trị cao (tại huyện miền núi Sông Hinh); liên kết sản xuất mía đường gắn với tiêu thụ cho nông dân (huyện miền núi Sơn Hòa và Nhà máy đường KCP); sản xuất tôm thẻ chân trắng tập trung có ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc); liên lết sản xuất lúa giống (Hợp tác xã An Nghiệp, huyện Tuy An).
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết: Tuy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị gia tăng bình quân 4,5%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,2%/năm. đóng góp 25,3% giá trị tổng sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Phú Yên.
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Phú Yên phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp; nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích trồng trọt là 110 triệu/ha/năm (tăng 1,6 lần so vơi năm 2017); thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2017).