Người thầy nặng lòng với đồng bào Dao

Người thầy nặng lòng với đồng bào Dao
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xuất ngũ trở về quê hương, thầy giáo Lê Văn Sam đã tham gia nhiều công việc khác nhau như chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, y tế thôn bản và là giáo viên dạy ở Trường tiểu học Yên Lương. Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng đối với thầy việc tìm hiểu văn hóa dân tộc và truyền dạy chữ và tiếng dân tộc mình cho thế hệ trẻ vẫn là niềm đam mê nhất trong cuộc đời mình. Năm 2010, thầy Sam đã trở thành hội viên Hội bảo tồn di sản văn hóa bản sắc dân tộc Việt Nam, đến năm 2015 chính thức vào Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ. Vinh dự này lại khiến thấy nặng lòng hơn với ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Dao.

Thầy Sam chia sẻ: Nhiều năm trở về trước, thầy đã đi khắp các địa phương, tự mình tìm tòi, học hỏi để tìm hiểu lịch sử, nguồn gốc, phong tục tập quán các dân tộc Dao. Thầy tìm gặp cả các già làng, trưởng bản ở các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái để tìm hiểu các nét văn hóa tương đồng, khác biệt trong đời sống của đồng bào Dao giữa các vùng miền. Trong những chuyến đi đó, thầy đã thu thập, ghi chép được hàng ngàn trang tư liệu quý về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. 

Hiện tại, thầy Lê Văn Sam đang tham gia giảng dạy lớp tiếng Dao cho cán bộ công chức của các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập. Từ năm 2015 đến nay, đã có hàng trăm học viên được đào tạo. Sau khi tham gia lớp học tiếng Dao, các học viên đã hiểu biết hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Dao đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao. 

Đặc biệt, nhằm có thêm nhiều tư liệu giúp cho công việc nghiên cứu cũng như giảng dạy của mình, thầy Sam còn thường xuyên sưu tầm tư liệu sách báo, tạp chí viết về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học của người Dao, tham gia các lớp tập huấn… Từ những nguồn tư liệu đó, thầy giáo Lê Văn Sam dành thời gian biên soạn lại thành phương ngữ cho phù hợp với đối tượng mà Thầy đang giảng dạy. Giáo án của Thầy vừa biên soạn gồm 30 bài, được đăng ký giảng dạy trong vòng 6 tháng.

Thầy cho biết thêm: “Việc học tiếng Dao không khó, bởi âm tiếng Dao phát âm thẳng như tiếng Việt, nhưng để học được luôn đòi hỏi người học tập trung, kiên trì và có niềm đam mê. Dạy và học tiếng Dao trong thời đại này không chỉ có ý nghĩa gìn giữ văn hóa dân tộc mà còn giúp cán bộ làm dân vận, am hiểu tín ngưỡng, phong tục của đồng bào, tạo thuận lợi trong công tác”.

Gần 40 năm qua, thầy đã viết được một cuốn lịch sử người Dao Tiền, văn hóa bản sắc tín ngưỡng bản sắc văn hóa người Dao Tiền, cung cấp được nhiều tư liệu quý giá cho Hội văn nghệ dân gian huyện và tỉnh Phú Thọ. Không dừng lại ở việc viết các bài báo, bài nghiên cứu, mấy năm gần đây Thầy còn đầu tư rất nhiều công sức để truyền dạy những điệu múa của người Dao cho con em dân tộc, đội văn nghệ của huyện Thanh Sơn và một số huyện thuộc tỉnh Hòa Bình.

Niềm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, viết báo, viết sách của thầy giáo Lê Văn Sam đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn chữ viết, tiếng nói trong cộng đồng người Dao, đồng thời giáo dục con em trong cộng đồng hiểu biết thêm về giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó góp phần bảo tồn, phát triển tri thức văn hoá bản địa của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm