Long An tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Long An tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Mặc dù kinh tế có bước phát triển nhưng nhìn chung kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn chưa phát triển xứng tầm, tạo rào cản trong thu hút đầu tư như: nhiều tuyến đường có quy mô tải trọng khá thấp, là cản ngại trong thu hút các nhà đầu tư lớn; việc đầu tư chưa tập trung vào những công trình quan trọng mang tính chiến lược để phát triển công nghiệp, đặc biệt là chưa hình thành được các trục đường chính ngoài hàng rào kết nối khu, cụm công nghiệp; giao thông kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh thực hiện còn chậm, chưa phát huy được lợi thế tối ưu…
Cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Giang – TTXVN
Cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Bùi Giang – TTXVN
Anh Hoàng Văn Nam ở huyện Đức Hòa cho biết, anh thường xuyên chở hàng hóa từ huyện Đức Hòa về Thành phồ Hồ Chí Minh. Các tuyến đường kết nối khá nhỏ hẹp trong khi mật độ giao thông quá lớn, nhất là những giờ cao điểm khiến xe cộ đi lại khó khăn, trong khi Đức Hòa tập trung nhiều khu công nghiệp, lượng xe vận tải hàng hóa hoạt động nhiều. Ông Phạm Thanh Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn (đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp) cho biết, dưới góc độ nhà đầu tư hạ tầng trên địa bàn mong muốn tỉnh Long An tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp để tạo ra một thế “liên hoàn”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, các tuyến giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh hoặc đến các cảng biển cũng cần đầu tư xây dựng hoàn thiện để đảm vận tải hàng hóa được xuyên suốt, thuận tiện. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Long An cũng cần triển khai một cách nhanh chóng, đồng bộ, tạo ra một hình ảnh tốt nhất về hạ tầng trong mắt nhà đầu tư, từ đó góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh. Để giải quyết những khó khăn, tạo lợi thế thu hút đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã xác định một trong hai chương trình đột phá là “huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm”. Chương trình đã đề ra danh mục đầu tư 14 dự án tuyến giao thông nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước. Các dự án này được quy hoạch kết nối đồng bộ đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện các công trình nói trên là hơn 3.700 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động thêm sự đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Đến nay, có 5/14 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, những dự án còn lại đang trong quá trình thi công hoặc hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Song song với chương trình “huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm”, tỉnh Long An cũng đã xác định và tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Đó là: công trình đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa – Tân Tập), đường vành đai thành phố Tân An, trục hạ tầng giao thông – đô thị kế nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Đáng chú ý là đường tỉnh 830 đang được đầu tư xây dựng với chiều dài toàn tuyến hơn 55 km, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là công trình có vị trí thiết yếu, kết nối các huyện công nghiệp trọng điểm với Đường vành đai của Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 50 và Cảng quốc tế Long An. Hai công trình trọng điểm khác đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình đột phá và các công trình trọng điểm nói trên trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư hạn chế, tỉnh Long An xác định bên cạnh việc nỗ lực, phấn đấu khai thác hiệu quả các nguồn thu và cơ cấu lại chi ngân sách để tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm và chương trình đột phá. Tỉnh tăng cường kêu gọi xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP)... đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Trung ương đối với các dự án có tác động lan tỏa đến việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực nhằm bảo đảm các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Thi công đường tỉnh 830 qua địa bàn huyện Cần Đước thuộc dự án có tổng chiều dài hơn 55 km, kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 và Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Thi công đường tỉnh 830 qua địa bàn huyện Cần Đước thuộc dự án có tổng chiều dài hơn 55 km, kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 và Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An cho biết, tùy điều kiện ngân sách và khả năng huy động vốn sẽ thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên từng công trình và sẽ sớm hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả. Việc đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá và ba công trình trọng điểm nói trên sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông bên ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp, phục vụ tốt hơn việc thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, góp phần to lớn và phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Long An sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình liên kết giữa hai địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông kết nối quan trọng như: cầu Rạch Dơi, cầu Thầy Cai, đường tỉnh 823, đường Lương Hòa – Bình Chánh… nhằm nâng cao tính tiện ích các công trình giao thông đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, để tạo động lực cho sự phát triển của cả vùng, ông Đặng Hoàng Tuấn cho rằng, Trung ương cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ N2… kết nối thông suốt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sớm hoàn thành các tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Long Thành, Dầu Giây, các tuyến đường vành đai… nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển. Đồng thời hoàn thiện, cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông thủy kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long…
 Bùi Giang

Có thể bạn quan tâm