Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đang theo dõi sức phát triển của trà dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo Thạc sĩ Vương Thị Mỹ Thanh, chi phí ban đầu để xây dựng một nhà màng có diện tích 500 m2 cùng hệ thống tưới nhỏ giọt và các phụ kiện đi kèm khoảng 150 triệu đồng. Với kỹ thuật này, dưa lưới trồng mỗi năm được 4 vụ, mỗi vụ đạt năng suất khoảng 1,5 tấn/500 m2, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, người trồng thu được 45 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50%, tương đương 22,5 triệu đồng. Tính ra, mỗi ha dưa đạt năng suất 30 tấn, trừ chi phí còn lãi 450 triệu đồng/vụ.
Ông Ngô Hữu Nguyền, ngụ tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo là một trong những hộ nông dân đã nhận chuyển giao kỹ thuật trên từ Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh. Ông đầu tư xây dựng một nhà màng có diện tích 400 m2 trồng dưa lưới. Sau khi áp dụng kỹ thuật này, mỗi năm ông trồng được 4 vụ dưa, thu 4 tấn quả, bán được gần 120 triệu đồng, trừ chi phí ông thu lãi trên 60 triệu đồng.
Ông Nguyền cho biết, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, phù hợp với xu thế mới hiện nay. Mô hình này cần được quảng bá rộng rãi để nông dân cùng áp dụng.
Còn ông Nguyễn Văn Ba, ngụ tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho đầu tư 150 triệu đồng xây dựng một nhà màng trồng dưa lưới có diện tích 550 m2. Vụ dưa vừa qua, ông thu 1,5 tấn quả. Theo ông Ba, dưa lưới ngắn ngày, trồng trong nhà màng không lo bị sâu bệnh gây hại, lại hoàn vốn nhanh và lãi cao, tiết kiệm nguồn nước. Chỉ với 550 m2, mỗi năm ông thu lãi ròng khoảng 90 triệu đồng. Đây là mức lãi rất cao trên một diện tích canh tác nhỏ hẹp.
Đặc biệt, tại Tân Tây - xã duyên hải của huyện ven biển Gò Công Đông còn tổ chức mô hình liên kết xây dựng nhà màng trồng dưa lưới diện tích 1.548 m2 với 10 nông hộ tham gia. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng 200 triệu đồng trên diện tích sản xuất kể trên.
Hiện nay, mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh chuyển giao cho nông dân Tiền Giang và một số tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Bến Tre, Long An. Các nông hộ được chuyển giao đều áp dụng thành công, mở ra hướng sản xuất hiệu quả cho những địa bàn đất hẹp, người đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà các tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Tiền Giang đang hướng tới.