Hiệu quả của giống lúa Nàng Thương 9 tại Quảng Ngãi

Hiệu quả của giống lúa Nàng Thương 9 tại Quảng Ngãi
Lúa Nàng Thương 9 chống chịu tốt với khí hậu, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Ảnh: nongnghiep.vn
Lúa Nàng Thương 9 chống chịu tốt với khí hậu, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Ảnh: nongnghiep.vn
Từ thành công này, Nàng Thương 9 hy vọng sẽ trở thành giống lúa chủ lực không chỉ trong địa bàn huyện Bình Sơn mà còn của cả tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai. Mặc dù trong vụ ĐX vừa qua, điều kiện thời tiết ở Quảng Ngãi không thuận lợi khi có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhưng với khả năng chống chịu cao, giống lúa Nàng Thương 9 vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao. Theo kết quả khảo nghiệm tại HXT Bình Sơn 2, giống lúa nói trên đạt năng suất thực thu 75,9 tạ/ha, cao hơn rất nhiều so với các giống lúa đã từng canh tác ở địa phương này trước đây. Ông Võ Văn Sơn (Phước Bình, Bình Nguyên 2), một trong những nông dân thực hiện mô hình thử nghiệm trồng giống lúa Nàng Thương 9 cho biết: “Tôi rất hài lòng về giống Nàng Thương 9. Vụ ĐX vừa qua, thời tiết vô cùng khắc nghiệt nên lá của các giống lúa khác bị chuyển màu nhưng Nàng Thương 9 vẫn không ảnh hưởng. Điều này cho thấy khả năng chống chịu của giống với điều kiện khí hậu ở địa phương rất tốt. Bên cạnh đó, thân cây cũng rất cứng nên không có hiện tượng đổ ngã”. Cũng theo ông Sơn, ngoài việc thích ứng tốt với thời tiết thì Nàng Thương 9 còn ít bị nhiễm sâu bệnh hơn so với các giống lúa mà ông trồng trước đây, đặc biệt là bệnh rầy nâu và đạo ôn. Đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện hai bệnh này xuất hiện trên Nàng Thương 9. “Vừa rồi tôi đã gặt thử và kiểm tra được năng suất của giống lúa này cao hơn giống thông thường trên 10 tạ/ha. Thấy nhiều điểm lợi từ Nàng Thương 9 nên trong vụ HT tới, tôi sẽ tiếp tục trồng giống lúa này để khẳng định hiệu quả một lần nữa”, ông Sơn chia sẻ. Chứng kiến hiệu quả của mô hình trồng thử giống lúa Nàng Thương 9, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho rằng, đây là giống lúa có năng suất rất cao nên cần phát huy những ưu điểm của giống và hiệu quả đã đạt được. “Hiện người dân địa phương đang sử dụng các bộ giống lúa của huyện đưa và và chưa có đổi mới. Năng suất bình quân chỉ khoảng 60 tạ/ha. Qua tham quan mô hình Nàng Thương 9, tôi thấy năng suất rất đạt yêu cầu lại canh tác dễ hơn các giống khác đang sử dụng nên rất muốn phía Trạm BVTV huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt - BVTV tham mưu với huyện để đề xuất đưa vào bộ giống chủ lực”, ông Dũng nói. Cũng với mong muốn trên nhưng để khẳng định hiệu quả một lần nữa, ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Quảng Ngãi đề xuất phía Cty Cổ phần tập đoàn Điện Bàn trồng thử nghiệm trên vùng đất cát và ở các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi vụ HT tới. “Tôi ghi nhận hiệu quả của giống Nàng Thương 9 trong vụ ĐX ở Bình Nguyên vừa qua và sẽ về báo cáo lại với huyện. Trong vụ tiếp theo, tôi cũng rất mong muốn phía Cty hỗ trợ, giúp đỡ bà con trồng thêm một vụ nữa ở những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng khác để xem khả năng sinh trưởng, phát triển của giống thế nào. Nếu hiệu quả thì bà con sẽ nhận thấy được và lựa chọn làm giống để canh tác”, ông Do đề nghị. Ghi nhận và đồng tình với đề xuất từ phía đại diện Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT, Cty CP tập đoàn Điện Bàn đồng ý sẽ giúp đỡ và hỗ trợ tận tình cho bà con nông dân thực hiện thử nghiệm mô hình trồng lúa Nàng Thương 9 trong vụ HT tới trên các chất đất khác ở tỉnh.
Theo nongnghiep.vn

Có thể bạn quan tâm