Tiền Giang chuyển trên 1.600 ha đất lúa vùng hạn mặn sang trồng rau màu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Nhiều người dựng nên cơ nghiệp bền vững như trường hợp ông Nguyễn Hiệp Thuận, cư ngụ tại xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây. Ông Nguyễn Hiệp Thuận có 9.000 m2 đất canh tác (0,9 ha). Trước đây, phần đất trên trồng lúa năng suất cao mỗi năm ba vụ. Tuy vậy, nghề trồng lúa ở địa phương lại bấp bênh bởi thường xuyên bị hạn hán hoặc ngập úng hàng năm. Những năm thiên tai, thất mùa coi như mất trắng. Nhận thấy trồng lúa khó làm giảu lại phải đối mặt với nhiều rủi ro, ông mạng dạn chuyển đổi sang trồng rau màu chuyên canh. Để thành công với mô hình canh tác mới, ông Thuận chú trọng học tập và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, chăm sóc rau màu theo khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng tốt tham gia thị trường. Đặc biệt, trồng rau màu theo ngưỡng an toàn nhằm cung ứng nông sản chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Trên phần đất canh tác, ông trồng nhiều chủng loại rau màu, mùa nào thức nấy, tùy theo nhu cầu thị trường. Các loại rau ăn lá như: hành, hẹ, rau cải,…Các loại rau ăn quả như: bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua,…Sản phẩm làm ra, ông Thuận cung ứng cho HTX rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công). Nói về hiệu quả kinh tế, ông Thuận cho biết, trung bình mỗi năm, quay từ 3 đến 5 vòng rau màu (3 - 5 vụ), tùy theo chủng loại rau trồng. Hàng năm, gia đình ông bán tổng thu trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi từ khoảng 300 triệu đồng, đạt tỉ lệ lợi nhuận từ 60 - 70% trên tổng doanh thu. Nếu so với thời kỳ còn trồng lúa năng suất cao thì lợi nhuận cao gấp hàng chục lần. Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời với mong muốn giúp cho nông dân quanh vùng cùng chuyển đổi sản xuất để làm giàu, đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn, ông Thuận chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho bà con xã Thạnh Trị; đồng thời, vận động thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn nhằm tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, nông dân hưởng lợi. Định hướng đúng và hiệu quả kinh tế mang lại trước mắt nên ông Thuận nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của nông dân trong xóm ấp. Kết quả, HTX rau an toàn Thạnh Hưng, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây ra đời vào năm 2013 với 25 hộ xã viên, diện tích canh tác 40.000 m2 do ông làm Giám đốc. Năm 2014, HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chí sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP. Hiện nay, HTX rau an toàn Thạnh Hưng trồng 15 chủng loại rau màu gồm cả rau ăn lá và rau ăn quả. Ông Thuận cho biết, thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chí VietGAP mà còn bố trí hợp lý mùa vụ, cung ứng giống, hợp đồng bao tiêu với giá có lãi cho xã viên đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh cung ứng nông sản đầu ra. Với cách làm như thế, xã viên an tâm tổ chức sản xuất, gắn kết hợp tác xã, thu nhập cao, đời sông ổn định. Nhiều hộ khấm khá lên. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng khoảng 3 tấn rau an toàn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây đánh giá cao mô hình sản xuất của HTX rau an toàn Thạnh Hưng và cho rằng cung cách làm ăn theo định hướng HTX kiểu mới, liên kết chuỗi giá trị cần được nhân rộng để nông dân cùng làm giàu. Bà Nguyễn Thị Lệ, xã viên HTX rau an toàn Thạnh Hưng cho biết, gia đình bà nhờ gia nhập hợp tác xã, chuyển đổi từ canh tác lúa sang trồng rau an toàn, được bao tiêu với giá hợp lý, có lãi, sau vài vụ làm bội thu đã khấm khá lên. Có được như thế phải ghi nhận công lao của ông Nguyễn Hiệp Thuận, từ một nông dân giỏi, nhạy bén trước cơ hội chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình đã trở thành sáng lập viên và một giám đốc HTX năng động, mở hướng đi lên làm giàu bền vững cho nông dân vùng đất thuần nông năm xưa.
Minh Trí