Phát huy tiềm năng du lịch Hà Tiên, Kiên Giang (Bài 1)

Phát huy tiềm năng du lịch Hà Tiên, Kiên Giang (Bài 1)
Bài 1: Cần khắc phục bất cập

10 thắng cảnh nổi tiếng 

Thật không quá lời khi nói ở Kiên Giang, Hà Tiên là thiên đường du lịch thứ hai sau Phú Quốc. Vùng đất biên thùy nơi cực Nam Tổ quốc này hội tụ  nhiều danh thắng nổi bật ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Người Hà Tiên tự hào với “Thập cảnh” của quê hương mình, đó là: Tiêu tự thần chung (chùa Tam Bảo), Kim dự lan đào (núi Pháo đài), Lộc trĩ thôn cư (cảnh đẹp Mũi Nai), Nam phố trừng ba (bãi biển phía nam), Thạch Động thôn vân (thắng cảnh Thạch Động), Đông Hồ ấn nguyệt (đầm Đông Hồ), Giang Thành dạ cổ (đêm bên sông Giang Thành), Lư khê ngư bạc (xóm chài Rạch Vược), Bình San điệp thúy (núi Bình San) và Châu nham lạc lộ (thắng cảnh Đá Dựng). 
 
Bãi biển cát vàng tại Khu du lịch Hòn Phụ Tử. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Bãi biển cát vàng tại Khu du lịch Hòn Phụ Tử. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình, Hà Tiên còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại trong tiến trình chinh phục, mở mang bờ cõi, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 

Chị Châu Lam , khách du lịch đến từ thành phố Cần Thơ cho biết: Nhiều lần đến Hà Tiên, chị nhận thấy nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi, rừng, hang động, biển đảo, đồng bằng, biên giới, sông ngòi, đầm nước…. Người Hà Tiên hào hiệp, thân thiện và mến khách. 

Cảm nhận về Hà Tiên, chị Trương Thanh Hiền, du khách ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang chia sẻ: Đến Hà Tiên, ngoài chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng như núi Đá Dựng, Thạch Động, Mũi Nai, đầm Đông Hồ..., gia đình tôi còn đến Chùa Tam Bảo thắp hương, lên núi Bình San viếng lăng Mạc Cửu. Hà Tiên có nhiều hải sản tươi ngon, bổ dưỡng; bãi biển cát vàng, nước trong xanh… 

Thị xã Hà Tiên còn có quần đảo Hải Tặc cách đất liền 20 km. Nơi đây còn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, môi trường trong lành rất thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái biển đảo; đầm Đông Hồ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng... Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tiếp giáp với Campuchia cũng là lợi thế để phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. 

Theo UBND thị xã Hà Tiên, năm 2017, du khách đến thăm quan, du lịch Hà Tiên đạt hơn 2,1 triệu lượt người, chiếm 30% lượng khách du lịch đến tỉnh Kiên Giang trong năm 2017. Điều đó cho thấy, Hà Tiên là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, du lịch Hà Tiên còn quá nhiều những khó khăn, bất cập và chưa được đầu tư phát triển đúng mức. 

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế 

Mặc dù được mệnh danh là thiên đường du lịch thứ hai của Kiên Giang, sau Phú Quốc, nhưng du lịch Hà Tiên chưa được đầu tư phát triển căn cơ, còn thiếu quy hoạch tổng thể dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Các loại hình, sản phẩm du lịch ở Hà Tiên chưa đa dạng, thiếu hấp dẫn; hoạt động vui chơi, giải trí gắn với nghỉ dưỡng còn đơn điệu. Tổ chức hoạt động du lịch ở đây còn manh mún, thiếu tính liên kết và thiếu chuyên nghiệp. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các hoạt động, khai thác du lịch Hà Tiên dựa vào tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có. 

Tại Khu du lịch Mũi Nai, ngoài ngắm biển, tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon thì không còn sản phẩm du lịch nào hấp dẫn để du khách lựa chọn. Cơ sở hạ tầng khuôn viên cũng xuống cấp, hàng quán bày bán chưa đảm bảo mỹ quan . 

Đến điểm du lịch Thạch Động, ngoài tìm hiểu, khám phá hang động kỳ bí gắn với câu chuyện “Thạch Sanh - Lý Thông” thu hút du khách thì không còn sản phẩm du lịch nào khác. Đường lên Thạch Động, các gian hàng bày bán hàng hóa còn nhếch nhác... Anh Nguyễn Hữu Hậu, khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Danh lam thắng cảnh ở Hà Tiên "không chê vào đâu được", nhưng cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch còn nhiều hạn chế và chưa được đầu tư phát triển đúng tầm; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc nên khó "giữ chân" du khách. Nếu được đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, chăm sóc và tôn tạo cảnh quan, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn Hà Tiên sẽ thu hút nhiều du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. 
 
Du thuyền đưa khách du lịch ra thăm quan hang Giếng Tiên tại Khu du lịch Hòn Phụ Tử. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Du thuyền đưa khách du lịch ra thăm quan hang Giếng Tiên tại Khu du lịch Hòn Phụ Tử. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Xác định du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, những năm qua, Hà Tiên đã đầu tư phát triển, nhưng nguồn vốn đầu tư quá ít và còn nhỏ giọt. Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên cho biết: Hiện nay, khó khăn của Hà Tiên trong phát triển du lịch là Quốc lộ 80 đưa du khách về Hà Tiên bị xuống cấp, thời gian di chuyển khá dài. Kinh phí đầu tư hạ tầng du lịch trên địa bàn từ trước đến nay quá ít, nhỏ giọt và không đồng bộ. Về hệ thống giao thông, mới chỉ có một số công trình trọng điểm được đầu tư như: Đường Hoành Tấu - Bãi Nò, đường quanh núi Pháo Đài, đường trục chính trung tâm quảng trường. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các điểm và khu du lịch, đường giao thông kết nối các điểm, khu du lịch xuống cấp. Vốn phân bổ hằng năm đầu tư cho du lịch còn hạn chế, việc mời gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch Hà Tiên khó khăn". 

Du lịch Hà Tiên chưa giữ chân được du khách, nhất là lượng khách quốc tế đến Hà Tiên còn thấp, năm 2017 khoảng hơn 2.200 lượt người. Kết quả đạt được của du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Tiên, chưa thể hiện vai trò của một ngành kinh tế động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Cần đột phá để phát triển 

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên nhấn mạnh: “Hà Tiên xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn nên trong thời gian tới thị xã tập trung đầu tư phát triển du lịch mạnh hơn. Trước mắt, Hà Tiên tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phát triển du lịch thị xã Hà Tiên đến năm 2030. Hà Tiên cũng triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Hải giai đoạn 2014 - 2020 và đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ giai đoạn 2016 - 2020”. 
 
Phà cao tốc chất lượng cao chở người và phương tiện từ Hà Tiên đi Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen – TTXVN
 Phà cao tốc chất lượng cao chở người và phương tiện từ Hà Tiên đi Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Theo đó, Hà Tiên vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch; kết nối đồng bộ tam giác du lịch Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc và các vùng trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. 

Hà Tiên tranh thủ huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm; nâng cấp chỉnh trang cơ sở hạ tầng kỹ thuật các điểm, khu du lịch hiện hữu gắn với tôn tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.  Thị xã huy động cộng đồng xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ du lịch gắn với thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; nâng lên tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. 

Cùng với đó, dựa vào lợi thế, tiềm năng sẵn có, Hà Tiên mở rộng, phát triển đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và trải nghiệm - khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng - ẩm thực - vui chơi giải trí… đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Hà Tiên cũng mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống như Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu… tạo điểm nhấn ấn tượng cho du lịch Hà Tiên; tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch nội vùng, cả nước và ra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong hoạt động quảng bá, xúc tiến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. 

Hà Tiên cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, người lao động làm du lịch; bồi dưỡng kiến thức, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ… cho đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch; chú trọng xây dựng đội ngũ thuyết minh viên nắm vững kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương để hướng dẫn du khách tham quan, du lịch Hà Tiên.(Còn tiếp)

Lê Huy Hải 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm