Hiệu quả từ phong trào hi đua “Dân vận khéo” ở Cần Thơ

Hiệu quả từ phong trào hi đua “Dân vận khéo” ở Cần Thơ
Trong số các điển hình DVK có mô hình xây dựng cánh đồng mẫu ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai. Theo ông Đặng Thành Lân, Trưởng Khối Dân vận xã Đông Bình, thực hiện phong trào thi đua DVK và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2010, Khối Dân vận xã phối hợp cùng Hội Nông dân xã xây dựng mô hình DVK "Cánh đồng mẫu". Qua 5 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp các thành viên tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ước tính, trung bình mỗi héc ta, năng suất lúa trong cánh đồng mẫu cao hơn bên ngoài từ 200-500 kg, giá bán lúa cao hơn ngoài mô hình từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Chú Trần Điền Lan, thành viên tham gia mô hình sớm nhất, bộc bạch: "Trước kia, theo tập quán cũ, tôi cũng như nhiều bà con khác sử dụng các giống lúa cũ phẩm chất không tốt, hạt tròn, dài ngày. Mùa này nghe ai chỉ giống nào hay thì làm, mùa sau lại xài giống khác, hiệu quả sản xuất không cao. Khi vào cánh đồng mẫu, tôi được tham quan thực tế tìm hiểu rõ về nguồn gốc, những phẩm chất nổi trội của giống lúa mới và từ đó tôi áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn được trợ giá 40% chi phí mua giống lúa mới. Trung bình mỗi héc ta trong cánh đồng mẫu, năng suất vụ hè thu tăng từ 6,5 tấn lên khoảng 8 tấn; vụ đông xuân tăng từ 7,5 tấn lên 10 tấn, trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận từ 30% trở lên".
 
Mô hình cánh đồng mẫu tại xã Đông Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Ảnh: TÂM KHOA
Mô hình cánh đồng mẫu tại xã Đông Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Ảnh: TÂM KHOA

Bên cạnh việc được trợ giá mua giống lúa, vốn vay, Khối Dân vận còn phối hợp các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, như: Kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Đồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, bà con rất yên tâm sản xuất. Từ những hiệu quả đạt được, ngày càng có nhiều hộ tình nguyện tham gia mô hình này. Nếu như vụ đông xuân 2010-2011, khi mới thành lập, mô hình chỉ có 279 hộ tham gia, với tổng diện tích canh tác là 420ha thì đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên 949 hộ, với tổng diện tích 1.455ha, chiếm 61,1% diện tích sản xuất nông nghiệp của xã. Ông Nguyễn Văn Chờ, thành viên cánh đồng mẫu, cho biết thêm: "Tham gia cánh đồng mẫu nông dân được nhiều cái lợi, như: gieo sạ đồng loạt theo lịch né rầy, bơm tưới tập thể nên tiết kiệm chi phí, được trợ giống lúa và đảm bảo đầu ra ổn định,… Với diện tích 1,5 ha, trước kia trồng lúa thường, mỗi năm lợi nhuận chỉ khoảng 20 triệu đồng/2 vụ. Tham gia cánh đồng mẫu, lợi nhuận tăng lên khoảng 65 triệu đồng/3 vụ". Ông Đặng Thành Lân, Trưởng Khối Dân vận xã Đông Bình, cho biết thêm: "949 hộ tham gia cánh đồng mẫu được chia làm 17 tổ hợp tác sản xuất và hoạt động rất hiệu quả. Bà con giúp nhau ngày công lao động, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác; tham gia làm đường giao thông… góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Điều quan trọng nữa là nhờ tham gia mô hình, thu nhập của bà con tăng theo từng năm. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14,5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 11,82% vào năm 2010 xuống còn 5,6% vào năm 2014. Mô hình đã góp phần giúp cho xã Đông Bình đạt danh hiệu xã Nông thôn mới vào đầu tháng 10-2015.

Xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh có phong trào thi đua xây dựng các mô hình DVK trong xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) diễn ra sôi nổi. Nhờ đó, giao thương thuận lợi, bộ mặt nông thôn ngày được đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Theo ông Nguyễn Văn Lào, Trưởng Khối Dân vận xã, trước kia, Vĩnh Trinh còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa, nhiều cầu không kiên cố, xuống cấp nên việc vận chuyển hàng hóa, đi lại trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Từ thực tế của địa phương, Khối Vận xã xây dựng kế hoạch phát động đăng ký xây dựng mô hình DVK từng năm. Sau khi triển khai, quán triệt chủ trương, nắm chắc kế hoạch thực hiện, song song với công tác tuyên truyền, Khối Vận phối hợp cùng UBND xã và các ngành, các ấp, tham mưu tốt cho Đảng ủy, tổ chức họp dân lấy ý kiến thống nhất kế hoạch, bàn bạc thảo luận cách thức thực hiện, huy động đóng góp của cộng đồng trong xây dựng các công trình GTNT trên địa bàn của xã theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
 

Cán bộ xã Vĩnh Trinh vận động nhân dân góp sức xây dựng giao thông nông thôn. Ảnh: NGỌC QUYÊN
Cán bộ xã Vĩnh Trinh vận động nhân dân góp sức xây dựng giao thông nông thôn. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Cây cầu Năm Tài và cầu T4 đã được khánh thành đưa vào sử dụng từ 4 đến 6 tháng trước, nhưng trò chuyện với chúng tôi, bà con ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh không giấu được niềm vui khi kể về những cây cầu được tạo nên từ sự đoàn kết của bà con trong ấp. Ông Lê Văn Chầu, người dân sống gần cầu Năm Tài, phấn khởi: "Làm được các cây cầu này bà con mừng lắm! Xe cộ lưu thông dễ dàng, việc sinh hoạt của bà con, học tập của trẻ nhỏ cũng sẽ thuận lợi hơn". Còn ông Trần Văn Thuận, người dân sống gần cầu T4, nói: "Khi xây dựng cầu T4, bà con quy tụ về rất đông. Nhất là những lúc cao điểm thi công đổ mặt cầu có gần cả trăm người tham gia. Cán bộ xã, ấp và bà con cùng nhau làm nên không phải mướn nhân công, đỡ tốn kém chi phí rất nhiều". Ông Hà Văn Hồi, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh, cho biết: "Sau khi họp dân bàn bạc, thống nhất chủ trương xây dựng các công trình. Chúng tôi tiến hành bầu chọn những người có uy tín vào Ban vận động, Ban thi công, Ban giám sát công trình... Nhờ "tự làm" nên các công trình đều tiết kiệm được kinh phí thiết kế thi công, thuê mướn nhân công, chất lượng đảm bảo".

Từ năm 2010 – năm 2014, thực hiện các mô hình DVK về xây dựng GTNT, Khối vận xã Vĩnh Trinh đã vận động nhân dân xây dựng mới 20 cầu bê tông, với chiều rộng từ 3 – 4m; xây dựng mặt cứng bê tông, với chiều rộng từ 2 – 3,5m, tổng chiều dài 14.506m. Ngoài ra, Khối vận xã còn vận động nhân dân gia cố các mang cá cầu, sửa chữa các tuyến đường bị xuống cấp, đổ đá các tuyến nội đồng... Tổng kinh phí các công trình xây dựng hơn 23 tỉ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 7 tỉ đồng; nhân dân đóng góp hơn 16 tỉ đồng, bao gồm hơn 8 tỉ đồng tiền mặt và 11.492 ngày công lao động, hiến 20.100m2 đất… Riêng từ đầu năm đến nay, Khối Dân vận xã đã vận động nhân dân đóng góp hơn 902 triệu đồng, 851 ngày công lao động và hiến 500m2 đất để xây dựng GTNT. Từ những kết quả đạt được, đầu năm 2015, Vĩnh Trinh được công nhận đạt xã văn hóa và xã đạt tiêu chí xã Nông thôn mới. Vừa qua, Khối Dân vận xã Vĩnh Trinh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua DVK giai đoạn 2011-2015.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố có các mô hình DVK tiêu biểu như: Mô hình "Tỉa cành, tạo tán, trẻ hóa cây bưởi" của Hội Nông dân phường Tân Phú, quận Cái Răng, có 50 thành viên tham gia, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm thu lãi hơn 2 tỉ đồng; mô hình "Câu Lạc bộ làm vườn trồng cây vú sữa" của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền, có 41 thành viên tham gia, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm thu lãi hơn 1 tỉ 200 triệu đồng… Hay như mô hình "Rước ảnh Bác Hồ về nhà treo nơi trang trọng" của Hội Cựu chiến binh thành phố thu hút hơn 99,6% hộ dân toàn thành phố tham gia; mô hình "Cất nhà Chữ thập đỏ xóa lá thay tôn" của Hội Chữ thập đỏ phường Long Hưng, quận Ô Môn đã xây dựng 89 căn nhà cho người nghèo; mô hình về "Bảo vệ môi trường và xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp" của Đoàn Thanh niên quận Cái Răng; mô hình "Cộng đồng trách nhiệm giữ gìn phường sạch rác" của UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều... Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nổi bật nhất là mô hình "Tết quân dân" của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; mô hình "Vận động nhân dân và đồng bào Công giáo xây dựng ấp, xã, họ đạo, xứ đạo 3 không" của Công an huyện Vĩnh Thạnh; mô hình "cổng rào an ninh trật tự, đèn trước ngõ, mõ trong nhà" của Khối Dân vận xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai…

Báo Cần Thơ điện tử

Có thể bạn quan tâm