Tiền Giang phát huy vai trò cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Qua ba vụ sản xuất liên tiếp trong năm 2017, tỉnh có tổng cộng 13 đơn vị gồm công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở, đại lý thu mua lúa gạo đầu tư xây dựng 48 cánh đồng lớn tại các vùng trồng lúa trọng điểm của địa phương. Tổng diện tích được ký kết lên đến gần 4.400 ha. Kết thúc năm lương thực 2017, diện tích thu mua trong mô hình cánh đồng lớn đạt gần 3.800 ha, sản lượng thu mua gần 22.000 tấn lúa hàng hóa.
Phương thức liên kết xây dựng cánh đồng lớn cũng đa dạng, tạo cho nông dân nhiều phương án lựa chọn tùy theo điều kiện thực tế.
Cụ thể như tập trung đầu tư về lúa giống, vật tư nông nghiệp không tính lãi, hợp đồng giá bảo hiểm bảo đảm nông dân có lãi đến 30% trở lên đến kỳ thu hoạch thu mua theo giá thị trường hoặc tối thiểu bằng giá sàn đã cam kết trong trường hợp giá lúa hàng hóa sụt giảm sâu.
Bên cạnh đó là phương thức đầu tư một phần giống lúa xác nhận không tính lãi và hợp đồng bảo hiểm nông dân có lãi 30% trở lên so giá thành hoặc phương thức không đầu tư ứng trước nhưng hợp đồng bảo hiểm cho nông dân có lãi 30% trở lên trên giá thành.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trên lĩnh vực hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn với nông dân bài bản, khoa học và có chiến lược lâu dài là Công ty TNHH Việt Hưng chuyên kinh doanh lúa gạo xuất khẩu tại huyện vùng lũ Cái Bè.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, doanh nghiệp đã lập phương án xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2016 – 2021 trên tổng diện tích 24.750 ha và sản lượng thu mua dự kiến 148.500 tấn lúa hàng hóa. Năm 2017, doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn trên diện tích 2.550 ha với sản lượng 15.300 tấn và năm 2018 dự kiến sẽ mở rộng lên 3.600 ha với sản lượng thu mua khoảng 21.600 tấn.
Theo ông Bùi Văn Khá, một nông dân xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy nhiều năm nay tham gia cánh đồng lớn cho biết, việc liên kết sản xuất mang lại cho nông dân nhiều mối lợi. Đó là đầu ra ổn định, chất lượng lúa hàng hóa tốt, hiệu quả kinh tế được bảo đảm, không phải lo tác động bởi tình trạng trúng mùa, mất giá…
Chính vì vậy, gia đình ông canh tác 1,5 ha mỗi năm sản xuất ba vụ theo mô hình cánh đồng lớn, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gần 100 triệu đồng.
Rõ ràng, đó là những yếu tố thuận lợi để tỉnh Tiền Giang từng bước mở rộng mô hình cánh đồng lớn tại các vùng trọng điểm lúa theo các tiêu chí đã được xác định là: tăng diện tích cánh đồng lớn, tăng số nông hộ và tăng số doanh nghiệp tham gia qua từng năm. Trong đó, năm 2018, phải đảm bảo tăng tối thiểu 30% diện tích cánh đồng lớn trở lên so với năm 2017