Lắng nghe ý kiến xã hội
Là một đại biểu Quốc hội, trực tiếp góp ý cũng như phản biện các đề án do UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để việc triển khai Nghị quyết 54 đạt hiệu quả, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ. Điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đối với những vấn đề có tác động đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh như việc tăng phí, lệ phí, thuế suất hay ban hành thêm phí, thuế mới… cần xem xét, thực hiện đánh giá tác động của các chính sách.
Từ ngày 01/4/2018, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức thuộc khu quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Trong ảnh: Văn phòng UBND quận 3 đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thực hiện đánh giá tác động cũng đảm bảo sự yên tâm, tin tưởng từ phía người dân rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 cũng là để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh…
Cũng từ đòi hỏi này, các nội dung, đề án cần tập trung quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Các thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh, gọn hơn thông qua việc phân cấp, ủy quyền đối với quận - huyện, phường - xã hoặc tăng thu nhập cán bộ, công chức, viên chức để họ làm việc hiệu quả, trách nhiệm hơn.
Thành phố sẽ thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; lấy ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động xã hội, lắng nghe ý kiến xã hội trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; đảm bảo khẩn trương và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững hơn vì cả nước, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Quyết tâm, đồng bộ
Chia sẻ về những thách thức của thành phố trong quá trình triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Tất cả thẩm quyền, cơ chế, chính sách đặc thù đòi hỏi phải được chuyển hóa thành những chính sách, quy định, quy trình cụ thể, phải được thiết kế để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và cả các cấp chính quyền. Đặc biệt phải lượng hóa đầy đủ những tác động xã hội trong ngắn hạn cũng như dài dạn khi thực hiện Nghị quyết.
Ngoài ra, thời gian triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ngắn chỉ 5 năm, theo đó, đến năm 2020 phải sơ kết 3 năm báo cáo Chính phủ, năm 2022 phải tổng kết, đánh giá báo cáo Quốc hội. Do đó, một số chính sách vĩ mô có độ trễ nhất định, chưa thể phát huy trong ngắn hạn, là thách thức lớn đối với thành phố khi thực hiện Nghị quyết.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết 54 là tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, để thực hiện Nghị quyết 54 đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả cao, yêu cầu về bộ máy, con người phải đáp ứng. Vì vậy, cán bộ, công chức phải thể hiện trách nhiệm nhiều hơn, nâng cao tính sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phải nhìn việc và đặt người phù hợp; nếu không, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 sẽ không đồng bộ, hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò rất lớn của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết 54, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói: Nghị quyết 54 trao cho HĐND thành phố quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Sau đó, HĐND thành phố phải giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đây là một thách thức của cơ quan dân cử địa phương. Do vậy, các ban chuyên trách của HĐND thành phố phải nâng vai trò, vào cuộc quyết liệt từ khi thẩm định đến khi thảo luận thông qua và sau đó triển khai thực hiện.
Dưới góc độ nghiên cứu chính sách, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Đại học Fullbright Việt Nam đề xuất: Để tận dụng không gian đã được trao, cùng cơ chế đặc thù và những định hướng chính sách hiện hữu, thành phố có thể xem xét một số vấn đề như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để trở thành “vùng trũng” thu hút doanh nghiệp, người giỏi, người khá giả đến kinh doanh, làm việc và sinh sống; khai thác tốt công cụ khai thác giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu áp dụng một số hình thức khai thác giá trị từ đất mà không cần thu hồi như phí phát triển, thuế cải thiện...
Theo Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, thành phố đã chọn việc xây dựng thành phố thông minh làm trọng tâm. Đây là một cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão và cách tiếp cận này có thể tạo ra cái nhìn lạc quan hướng về phía trước thay vì “tù túng” trong kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi liên quan đến việc thực thi thành phố thông minh thành công là vấn đề thể chế chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật.
Thời gian thực hiện Nghị quyết 54 chỉ 5 năm, trong đó việc triển khai tập trung tất cả các giải pháp giai đoạn 2018-2020, sơ kết vào cuối 2020 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Vì vậy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là triển khai quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội với tinh thần cùng cả nước, vì cả nước, xứng đáng với niềm tin mà Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân cả nước đã dành cho Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua./.