Yên Bái: Tạo giá trị gia tăng cho vùng đồng bào dân tộc

Yên Bái: Tạo giá trị gia tăng cho vùng đồng bào dân tộc

Từ sự hỗ trợ thành lập và phát triển, các hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đã từng bước khắc phục tồn tại trong sản xuất nông nghiệp theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ; hướng đến sản xuất tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các thành viên.

Yên Bái: Tạo giá trị gia tăng cho vùng đồng bào dân tộc ảnh 1Cây chè Bát Tiên giống mới đưa vào trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chè ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có trên 700 hợp tác xã; trong đó có khoảng 200 hợp tác xã được thành lập tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông lâm nghiệp, theo các mô hình kinh doanh tổng hợp, như: kết hợp dịch vụ sản xuất với chế biến; cung cấp giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tư vấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác… Phần lớn các thành viên hợp tác xã là hộ nông dân cùng địa bàn, được phát triển trên cơ sở lợi thế so sánh của mỗi vùng miền.

Thành lập từ năm 2020 với 17 thành viên đều là nông dân, Hợp tác xã Minh An, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên hoạt động trên cơ sở liên kết các hộ sản xuất, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến các loại nông lâm sản. Để tạo việc làm quanh năm, Hợp tác xã đã thu mua, chế biến nhiều loại nông sản, như: chè khô, dược liệu, gạo đặc sản, lạc đỏ…; sau đó trực tiếp bán lại cho hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp dược phẩm.

Ông Bàn Trung Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Minh An chia sẻ, được sự hỗ trợ của nhà nước, hợp tác xã được thành lập từ các hộ nông dân trong cùng thôn, liên kết cùng góp vốn xây dựng cơ sở sơ chế, thu mua và bao tiêu sản phẩm của chính các thành viên sản xuất ra. Điều đó không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, khắc phục được tình trạng tư thương ép giá mà còn biết rõ nhu cầu thị trường để đầu tư nuôi trồng cây, con phù hợp.

Là điển hình trong xây dựng chuỗi liên kết tại huyện vùng cao Trạm Tấu, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu hiện đang thu mua, sơ chế chè Shan tuyết Phình Hồ cho người dân địa phương. Để duy trì và phát triển trên 300.000 gốc chè đang cho thu hoạch, các thành viên Hợp tác xã và người dân trong vùng đã được chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch chè từ Viện Nông nghiệp Việt Nam do Hợp tác xã thường xuyên tổ chức, nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ cây chè cổ.

Ông Sùng A Rua, Chủ tịch UBND xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết, điểm nổi bật trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản phẩm chè ở Phình Hồ là sự chuyển giao khoa học kỹ thuật mà Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu là đơn vị tổ chức, kết nối và tài trợ. Đồng thời, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hợp tác xã đã xây dựng thành công nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý và tiêu chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cho sản phẩm Chè Shan tuyết Phình Hồ. Hợp tác xã đã góp phần đáng kể giúp địa phương bảo vệ được vùng chè, đến nay sản phẩm chè đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Yên Bái: Tạo giá trị gia tăng cho vùng đồng bào dân tộc ảnh 2Cây chè cổ thụ nằm trong quần thể 400 cây chè Shan Tuyết ở Suối Giàng được hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, hợp tác xã làm cầu nối bền vững giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Sự chủ động, nhanh nhậy của các hợp tác xã đã đảm bảo về giá cả, kịp thời vụ cho người nông dân, chính sự liên kết này đã giúp người dân đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần ổn định đời sống xã viên.

Nhờ có sự liên kết theo chuỗi giá trị mà nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng khu vực sản xuất, nuôi trồng tập trung, có quy mô ngày càng mở rộng. Hợp tác xã Măng tre Bát độ Hưng Khánh, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là một minh chứng điển hình. Vào vụ thu hoạch măng hàng năm, mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua hàng chục tấn măng tươi cho người dân tại địa phương, với vùng nguyên liệu được mở rộng lên hơn 400 ha.

Ông Phạm Ngọc Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Măng tre Bát độ Hưng Khánh cho biết, do thời gian thu hoạch cây măng tiêu chuẩn không dài nên khi người dân thu hoạch đến đâu được Hợp tác xã cam kết thu mua đến đó. Người dân nhận tiền ngay sau khi bán măng, giá cả thường cao hơn giá thị trường, tạo được sự tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô trồng măng theo tiêu chuẩn của Hợp tác xã. Sở dĩ làm được điều này là vì Hợp tác xã đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến thực phẩm.

Cũng nhờ liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều hợp tác xã khu vực vùng cao đã đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, hiện đại và đồng bộ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; các hộ dân nuôi trồng và thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên năng suất ngày càng cao, vì vậy cho thu nhập ngày càng tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các hợp tác xã cũng gặp phải những thách thức, nhất là khó khăn về cơ sở vật chất đầu tư cho sản xuất; năng lực quản lý, quản trị còn nhiều hạn chế; chất lượng lao động chưa cao, chủ yếu lao động phổ thông; việc tích tụ ruộng đất tạo thành vùng nguyên liệu có quy mô lớn, huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn; công tác quảng bá thương hiệu còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác lợi thế, phát triển mạnh mẽ loại hình hợp tác xã tại những địa phương còn nhiều khó khăn. Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập hợp tác xã; tập huấn nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành phù hợp với quy mô, trình độ hợp tác xã; phấn đấu mỗi xã vùng cao có ít nhất 01 hợp tác xã kiểu mẫu để nhân rộng mô hình; đẩy mạnh kết nối, học hỏi kinh nghiệp, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã.

Trong bối cảnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn khó khăn, thì việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã hiện có là phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc miền núi như tỉnh Yên Bái.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm