Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sinh viên lớp Cao đẳng ô tô, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được đào tạo chuyên sâu để có tay nghề vững khi đi làm việc. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Sinh viên lớp Cao đẳng ô tô, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được đào tạo chuyên sâu để có tay nghề vững khi đi làm việc. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Từ nhiều năm qua, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Yên Bái được đặc biệt quan tâm. Kết quả không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động liên kết với các Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tìm kiếm, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đào tạo sát với thực tế nông thôn miền núi; kết nối cung - cầu lao động, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động. Trên cơ sở đó đã hình thành mô hình liên kết đào tạo, bám sát chuẩn đầu ra và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ảnh 1Trường Cao đằng nghề Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái Ngô Thanh Giang khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với nhu cầu lao động nông thôn trong tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo hướng xã hội hóa, tạo nên những mô hình liên kết đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hằng năm, các cơ sở đào tạo thường xuyên trưng cầu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, từ đó rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, điều chỉnh nhiều mã ngành đào tạo, phù hợp với thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Do vậy, các cơ sở dạy nghề đã chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu đặc thù mỗi địa phương.

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động khu vực nông thôn, nhiều hình thức liên kết đào tạo nghề được hình thành. Đó là đào tạo tập trung, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương... với các trình độ từ Sơ cấp đến Đại học nhằm kịp thời cung ứng đủ nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo.

Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ảnh 2Học sinh lớp Điện công nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên trong giờ học thực hành. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Bên cạnh loại hình đào tạo tập trung dài hạn dành cho các nghề mới về công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, hóa thực phẩm, đào tạo nghề ngắn hạn trên dưới 3 tháng được nhiều đối tượng tham gia học tập. Điển hình như điện dân dụng, may thời trang, sửa chữa xe máy, gò hàn, xây dựng; thêu thổ cẩm, chăn nuôi lợn, kỹ thuật nuôi ong mật, sản xuất mây tre đan, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp... Ngoài ra, nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề ngắn hạn dưới một tháng như nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, trang điểm, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú nhà dân, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng phòng… được tổ chức tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, góp phần bổ sung liên tục nguồn lao động cho khu vực nông thôn.

Ông Lâm Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ chia sẻ, với việc liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, 100% học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và có thể làm việc ngay mà không phải đào tạo lại. Để đảm bảo đào tạo nghề sát với nhu cầu thị trường, hằng năm nhà trường tổ chức hội nghị về đào tạo và cung ứng lao động giữa nhà trường - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Hiện nhà trường đang đào tạo nghề theo địa chỉ cho 25 cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Đổi mới hình thức, nội dung đào tạo nghề

Nhất quán chủ trương chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tỉnh Yên Bái tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho hàng hóa nông lâm sản. Do đó, đòi hỏi lao động nông nghiệp, nhất là lao động trẻ cần phải được trang bị các kiến thức mới thông qua ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội vào sản phẩm nông nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Lương, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng “tri thức hóa nông dân”, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với lao động khu vực nông thôn được bổ sung thêm kỹ năng về quản lý, quản trị marketing, tài chính, xây dựng các phương án sản xuất, hướng dẫn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ảnh 3Sinh viên lớp Cao đẳng ô tô, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được đào tạo chuyên sâu để có tay nghề vững khi đi làm việc. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Là một trong những trung tâm đào tạo nghề của tỉnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Lê Anh Tuấn cho biết, nhà trường thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo từ việc xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy đến tổ chức đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, nhà trường đã gắn nội dung môn học với chuyển đổi số, kỹ thuật số trên toàn bộ chương trình học tập; liên tục đầu tư cơ sở vật chất phục cho giảng dạy và học tập; bổ sung đội ngũ giáo viên thông qua việc thuê chuyên gia đầu ngành giảng dạy, liên kết với các trường dạy nghề trong và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh Phổ thông vào học nghề trình độ Cao đẳng, Trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phục vụ cung ứng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ.

Nhờ có mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề rộng khắp, chất lượng được nâng cao, việc liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn diễn ra thuận lợi, đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao. Báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, mỗi năm khoảng 2% lao động nông nghiệp chuyển dịch sang phi nông nghiệp, tương ứng với gần 7.000 lao động; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, xuất khẩu 300 lao động. Hiện Yên Bái còn 54% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống 51% vào năm 2025.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm