Những ngày qua, nước lũ rút tới đâu, nhân dân Yên Bái và các lực lượng hỗ trợ tập trung dọn dẹp, vệ sinh đến đó; đồng thời tiến hành vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ.
Xử lý nước và vệ sinh môi trường
Trước tình trạng bùn đất và rác thải sau lũ quá lớn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường trang thiết bị, bổ sung lực lượng cùng người dân thu gom, xử lý; khử trùng tiêu độc, khôi phục nguồn nước sạch, giảm tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh bệnh dịch.
Tại thành phố Yên Bái, khi nước lũ rút đi đã để lại bùn đất, rác thải chất đống trên đường phố. Dù cả tuần nay, người dân cố gắng dọn dẹp nhưng trên nhiều tuyến phố, rác thải vẫn còn ngổn ngang, các đồ dùng, vật dụng gia đình bị hư hỏng vứt la liệt hai bên đường.
Bà Lê Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Nam Thành Yên Bái cho biết, công ty đã huy động tối đa lực lượng khoảng 200 công nhân cùng 4 xe ép rác chuyên dụng và 10 xe tải chở rác, 3 máy xúc chia thành 3 ca làm việc liên tục 24/24 giờ để thu gom, vận chuyển bùn đất và rác thải trên các tuyến phố. Ước tính, số lượng rác thải thu gom khoảng từ 700 - 1.000 tấn/ngày. Nhiều vật dụng gia đình bị hỏng, vứt bỏ thuộc loại rác công nghiệp như ván ép, đồ nhựa, cao su, kính vỡ, chai lọ, mút đệm... đã được phân loại, thu gom tập kết về nhà máy tại xã Văn Phú (thành phố Yên Bái) để tiến hành phun khử trùng, chờ xử lý. Những ngày tới, đơn vị tiếp tục duy trì quân số, phương tiện thu gom rác với quyết tâm cao nhất cùng các lực lượng đưa những tuyến phố xanh, sạch, đẹp trở lại.
Huyện Trấn Yên là địa phương có 10/21 xã, thị trấn bị ảnh hưởng lũ lụt trên diện rộng, với 3.800 ngôi nhà bị ngập. Không chỉ chịu thiệt hại trong đợt mưa lũ lịch sử mà sau khi lũ rút, người dân nơi đây phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng nề do các loại rác thải trôi dạt về cùng xác động vật phân hủy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Trần Ngọc Thư cho biết, địa phương đã huy động trên 5.000 người cùng 27 xe tham gia thu gọn đất, đá sạt lở, cây cối gãy đổ để đảm bảo thông các tuyến đường; xử lý và chôn lấp nhiều xác động vật chết, dọn dẹp đến đâu tiêu độc, khử trùng đến đó. Các lực lượng đã đưa hơn 4.000 hộ dân bị ngập quay trở về nhà an toàn, tập trung hút bùn, khơi thông cống rãnh thoát nước bị ùn ứ lâu ngày; hướng dẫn và hỗ trợ người dân dọn bùn đất, rác thải trong và xung quanh nhà ở.
Huyện đã cung cấp đầy đủ hóa chất, trang thiết bị để xử lý nước; ưu tiên đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho các cơ sở y tế; phổ biến sâu rộng biện pháp xử lý nước, giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt. Đến nay, toàn huyện đã cấp phát hơn 4.150 máy lọc nước cầm tay và bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Khử trùng và phòng, chống dịch bệnh
Ngay khi nước lũ chưa rút, Yên Bái đã chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; trọng tâm là chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị, hóa chất, cơ số thuốc cho các đội cơ động xử lý dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng ngập lụt.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái Nguyễn Trọng Phú cho biết, toàn tỉnh hiện có 95 đội cấp cứu lưu động, đội phòng, chống dịch bệnh, đội thanh khiết môi trường với 542 thành viên đang hoạt động tại các xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã cấp gần 3.350 kg Cloramin B, 99.000 viên Aquatasb, 9 cơ số thuốc phòng, chống bão lũ, 2,000 túi thuốc gia đình, 18 máy phun đeo vai, 45 túi đựng nước và 32 máy phun công suất lớn... cho hoạt động khử khuẩn môi trường.
Trước đó, ngành Y tế đã tăng cường tuyên truyền cách khử trùng nước, vệ sinh môi trường và xử lý rác thải qua phương tiện truyền thông, loa phát thanh và nhóm zalo trong khu dân cư, tổ dân phố... Khi nước rút, ngành cung cấp hóa chất khử trùng, gói hỗ trợ y tế cho các gia đình; nhất là cung cấp đầy đủ những loại thuốc liên quan đến bệnh đường tiêu hóa và bệnh ngoài da cho người dân.
Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã huy động phần lớn cán bộ, y, bác sỹ phối hợp với cán bộ các trạm y tế xã, phòng khám khu vực có mặt tại 34 thôn, bản của 12 xã bị ngập nặng để phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường cho người dân vùng lũ.
Ông Nông Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng (huyện Lục Yên) cho biết, các tổ công tác đã tiếp cận từng nhà dân để kiểm tra, hướng dẫn cách xử lý nước sinh hoạt và cấp phát kịp thời gói hỗ trợ y tế; trong đó có nhiều loại thuốc cần thiết cho các bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết...
Báo cáo của huyện Lục Yên cho thấy, đến nay có 100% hộ dân trong vùng ngập lụt được hướng dẫn biết cách vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm an toàn; được khuyến cáo nấu chín thức ăn, bảo quản thực phẩm trong điều kiện không có tủ lạnh; cách nhận biết và loại bỏ thực phẩm hư hại vì nước lũ; luôn rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên Trần Trung Thành cho hay, việc tổ chức phun thanh khiết môi trường và hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh sẽ được tiến hành trong ngày, ngay sau khi môi trường được làm sạch. Trung tâm có phương án thu gom, phân loại và xử lý chất thải y tế tại các trạm y tế, phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh; trong đó nước thải y tế phải khử khuẩn trước khi xả ra môi trường.
Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành Y tế và sự hợp tác của người dân, đến nay, nguồn nước sinh hoạt trên toàn tỉnh đã được xử lý cho hơn 4.500 gia đình, 63 đơn vị công cộng, 22 cơ sở y tế và 8 công trình cấp nước tập trung; hơn 8.500 hộ dân và 77 cơ quan, nhà hàng khách sạn nằm trong vùng ngập úng được phun thanh khiết, khử trùng môi trường.
Tiến Khánh