Xuất khẩu gạo dưới góc nhìn đa chiều

Xuất khẩu gạo dưới góc nhìn đa chiều

Liên quan đến việc nguồn cung lương thực thế giới đang biến động mạnh, khi hạn hán xuất hiện ở nhiều nơi, một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo đã mở ra cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam về lượng và giá, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức do cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa.

Đánh giá về thực trạng này, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, phải nhìn rộng và sâu hơn về xuất khẩu gạo khi gắn với thương hiệu, uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Võ Trí Thành, gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Trên thế giới, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia vừa có thể sản xuất đủ lượng gạo đáp ứng nhu cầu và xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo dưới góc nhìn đa chiều  ảnh 1Đóng gói gạo xuất khẩu tại Nhà máy xay xát Tân Long (thị xã Cai Lậy). Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của người dân trong nước mà còn giữ vai trò quan trọng với thị trường gạo toàn cầu. Bởi vậy, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn; trong đó, có Việt Nam.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng về đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương một mặt đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý cho thấy tầm nhìn đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành.

Xung quanh việc giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tiến sát ngưỡng 620 USD/tấn nhưng doanh nghiệp gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng, ông Võ Trí Thành cho rằng, giá gạo đang tăng mạnh, ẩn chứa đằng sau là nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là xung đột địa chính trị, làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất lương thực bị hạn chế, gián đoạn. Cùng đó, hiện tượng El Nino dẫn tới nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là hiện hữu khiến các quốc gia lo lắng cho nguồn cung phục vụ nhu cầu nội địa. Ngoài ra, một nhóm ít nước ngừng xuất khẩu như Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Nga… cũng tạo áp lực nguồn cung lớn.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, việc Bộ Công Thương có công văn khẩn đến các đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước là phản ứng chính sách nhanh nhạy.

Hơn nữa, việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra cơ sở kinh doanh, kho bãi để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng cũng rất cần thiết. Hiện tại, các địa phương trên cả nước cũng đang bình ổn thị trường với mặt hàng gạo nên cơ bản giá gạo thời điểm này có tăng nhưng vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát.

Đối với doanh nghiệp, vấn đề hiện nay là thời điểm đàm phán, ký kết hợp đồng, thu mua từ người nông dân… có độ vênh về giá bởi giá gạo thay đổi từng ngày, bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh.

Để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng mà doanh nghiệp đang đối diện, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, cần tăng cường tính linh hoạt trong việc ký kết hợp đồng, tránh xảy ra tranh chấp, mất uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường và nắm chắc mối liên kết dài hạn với đối tác.

Nhận định về giá gạo Việt Nam gần đây, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới là tin vui, bởi từ trước đến nay giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan. Thế nhưng, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước tăng theo là điều doanh nghiệp cần xem xét, tính toán hợp lý.

Mặt khác, biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu không tỉnh táo, “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt dây”.

Xuất khẩu gạo dưới góc nhìn đa chiều  ảnh 2Thiết bị hút lúa tự động tại Nhà máy xay xát Tân Long (thị xã Cai Lậy). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, trong nhiều chỉ đạo liên quan đến thị trường gạo, mục tiêu Bộ Công Thương đưa xuyên suốt nhằm tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Đây là vấn đề đúng và trúng, bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Do đó, không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu và phải có tích trữ phù hợp.

Thế nhưng, tích trữ là cần thiết nhưng chỉ nên vừa đủ và tính toán cẩn trọng vì bước vào mùa vụ mới, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ngành gạo.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra việc ngăn chặn hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý với mặt hàng gạo được đưa ra tại Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 của Bộ Công Thương là rất cần thiết. Bởi, giá gạo xuất khẩu thế giới và trong nước đang rất nóng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước, hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý với mặt hàng gạo rất có thể sẽ xảy ra.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, giá cả hàng hóa nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Vì vậy, các thị trường lớn về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ có những chủ trương lớn liên quan đến gạo như Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng lúa do hạn hán... đã tác động trực tiếp đến giá gạo xuất khẩu; đồng thời, đẩy giá gạo trong nước của nhiều quốc gia tăng cao.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, những ngày qua, giá gạo bán ra trên thị trường không có nhiều biến động, nhất là siêu thị và điểm bán hàng bình ổn giá bởi các đơn vị này đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Vì thế, để đảm bảo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không tăng quá cao, liên tục trong các buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước hàng tháng, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương thực hiện tốt giải pháp đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu; trong đó, có nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, nghiêm túc triển khai chương trình bình ổn giá,không đợi đến thời điểm cuối năm hay lễ, Tết.

Ngay trong những ngày cả thế giới sục sôi trước thông tin Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng vọt, Bộ Công Thương đã có văn bản số 5102/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai bình ổn thị trường thóc gạo. Qua đó, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn; yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Cũng theo ông Ngô Trí Long, dù giá gạo thế giới đang tăng mạnh nhưng giá gạo tiêu dùng trong nước về cơ bản rất ổn định, thậm chí nhiều thời điểm có xu hướng giảm nhẹ… Điều này thể hiện sự điều hành đúng đắn của Bộ Công Thương trong chỉ đạo điều tiết hoạt động xuất khẩu hợp lý,vừa hưởng lợi nhưng vẫn đảm bảo bình ổn giá.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm