Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu

Trẻ em dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu chơi ném Pao trong ngày Tết. Ảnh: Quang Quyết
Trẻ em dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu chơi ném Pao trong ngày Tết. Ảnh: Quang Quyết

Xuân đang về với đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Nhờ chung sức, đồng lòng, cùng đoàn kết dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xuân này bản Mông dường như vui hơn rất nhiều…

Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 1Hoa mận nở trắng trên cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Quang Quyết

Đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu có 18 dòng họ, sinh sống tại 31 bản, tiểu khu thuộc 8 xã, thị trấn với 2.934 hộ, gần 15.000 nhân khẩu, chiếm 12,62% dân số toàn huyện. Luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống đồng bào Mông đã khác xưa nhiều, no ấm và đủ đầy hơn trước.

Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 2Rộn ràng không khí vui Xuân, đón Tết của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Quang Quyết

Xuân về mang theo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhiều hộ đồng bào Mông ở xã Tân Lập. Ông Bàn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Lập cho biết, xã hiện có 2 bản đồng bào Mông sinh sống. Nhờ các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Mông đang thực sự đổi thay. Nhiều hộ đã có của ăn của để, xây được nhà mới, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Đó là hộ bà Sùng Thị Giá ở bản Tà Phềnh, hiện trồng 200 cây cam, nuôi lợn sinh sản, gà thả vườn, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Đó là ông Vàng A Thào ở bản Tà Phềnh, nhờ áp dụng mô hình trồng chanh leo, thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm…

Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 3Vườn cam trĩu quả của hộ gia đình bà Sùng Thị Giá ở bản Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Ảnh: Quang Quyết
Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 4Đồng bào dân tộc Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu tạo cảnh quan môi trường nông thôn đón xuân. Ảnh: Quang Quyết

Cũng nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, nhiều hộ đồng bào Mông khác ở Mộc Châu đã có thu nhập khá và ổn định. Điển hình như hộ ông Lầu Láo Ta, tiểu khu Pa Khen 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu với mô hình chăn nuôi, trồng cây tổng hợp; hộ ông Mùa A Súa, ông Lầu A Thân ở tiểu khu Chờ Lồng, thị trấn Nông trường Mộc Châu với mô hình trồng cây ăn quả, mận; hộ ông Sồng A Tủa ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, ông Tráng Vả Đế, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập với mô hình trồng chanh leo…

Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 5Để có trang phục mới cho cả gia đình mặc vào dịp Tết cổ truyền, phụ nữ Mông thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi để thêu, may. Ảnh: Quang Quyết

Những năm qua, Mộc Châu còn thực hiện tốt chính sách đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Mông. Đến nay, 8/8 xã, thị trấn đã có đường ô tô; 100% trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được xây dựng kiên cố; 98% số hộ đã có điện; 95% hộ được sử dụng nước sạch… Yên tâm, tin tưởng vào những chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào Mông ở Mộc Châu đã tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, khuyến học, phát huy bản sắc văn hóa, xoá bỏ tập tục mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu.

Xuân về bản Mông trên cao nguyên Mộc Châu ảnh 6Trẻ em dân tộc Mông trên cao nguyên Mộc Châu chơi ném Pao trong ngày Tết. Ảnh: Quang Quyết

Xuân này, cuộc sống của đồng bào Mông trên cao nguyên Mộc Châu đã thực sự đổi thay, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa Sơn La.

Quang Quyết

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm