Để duy trì hoạt động, bãi rác Tân Tiến, buộc phải dùng biện pháp đốt để giảm thiểu khối lượng rác. |
Từ khi bãi rác Tân Long bị đóng cửa thì toàn bộ lượng rác thải phát sinh trên địa bàn 8 huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đều được vận chuyển về chứa tạm tại 3 bãi rác ở thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp), thị xã Long Mỹ và xã Tân Tiến (thành phố Vị Thanh) để khi khu xử lý chất thải rắn của tỉnh với diện tích trên 40ha tại xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp) hoàn thành sẽ đưa hết về đây xử lý. Thế nhưng, chừng nào khu xử lý chất thải rắn tại xã Hòa An đi vào hoạt động vẫn là một câu hỏi.
Các bãi rác đang quá tải
Theo dự báo của ngành chức năng, hiện nay, hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều đã quá tải. Dù ngành chức năng và địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm, nhưng do đã hết sức chứa. Thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. Thêm vào đó, các bãi rác được tồn tại nằm quá gần khu dân cư, luôn tồn đọng rác gây mùi hôi thối, không bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho các hộ dân sinh sống xung quanh.
Là một trong những bãi rác từng được UBND tỉnh đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bãi rác Tân Tiến đã được hỗ trợ kinh phí để đầu tư các hạng mục để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đang tồn tại nơi đây. Bãi rác này được đầu tư lớn, khá đồng bộ với việc xây dựng các bể chứa, có hệ thống thoát nước thải, khí thải... Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận thêm rác chỉ đến hết năm 2015 và cuối năm 2016 có thể buộc phải đóng cửa theo quy định. Hiện tại, hàng ngày rác thải từ các địa phương khác vẫn vận chuyển về đổ, chôn lấp tại bãi. Ngoài phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, có phun xịt các chế phẩm khử mùi và diệt ruồi, bãi rác buộc phải dùng biện pháp đốt để giảm thiểu khối lượng rác. Cũng vì chỉ chôn lấp, đốt là chủ yếu nên rác thải tại đây vẫn cứ gây ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Đăng Bình, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, cho biết: Chúng tôi rất hiểu là do không có nơi đổ rác nên hàng ngày bãi rác nơi đây vẫn phải tiếp nhận rác từ nhiều nơi. Dù công ty đã tăng phun xịt khử mùi nhưng do lượng rác quá lớn nên mùi hôi cũng phát sinh. Thêm vào đó, lượng khói bốc lên từ việc đốt rác cũng phần nào phát tán ra khu dân cư. Chúng tôi cũng rất mong chính quyền sớm có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi rác mới, để chúng tôi thoát cảnh sống chung với ô nhiễm”.
Cũng như bãi rác ở xã Hỏa Tiến, bãi rác ở thị trấn Kinh Cùng cũng đang trong tình trạng quá tải, ngập úng và theo dự báo tối đa đến quý II/2016 cũng sẽ không còn sức chứa. Trước đây, do bãi rác này chỉ là trạm trung chuyển rác, nên việc đầu tư tường rào, hố thu gom nước rỉ rác… cũng được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, nên chỉ cần một cơn mưa, nước rỉ từ bãi rác sẽ tràn ra các kênh mương, ruộng vườn… gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại cây trồng, vật nuôi của người dân. Chính vì thế, ngoài việc xử lý ô nhiễm hàng ngày tại bãi rác, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang phải điều động xe từ Vị Thanh lên bãi rác hút nước ngập úng về bãi rác ở xã Tân Tiến để xử lý nhằm giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm. Còn bãi rác tại thị xã Long Mỹ, mặc dù xung quanh được xây dựng bờ bao, ao thu gom nước rỉ rác… song, do biện pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp, nên đang trong tình trạng quá tải, khả năng tiếp nhận rác đến hết năm 2015, sắp tới chứa không đảm bảo khi 2 bãi rác tại thị trấn Kinh Cùng và tại xã Tân Tiến đã hết sức chứa.
Sẽ mở rộng để giảm áp lực
Tình trạng ô nhiễm từ các bãi chứa rác hiện nay trên địa bàn tỉnh đang ở mức đáng báo động. Những bãi rác ở các huyện, thị xã mới chỉ xử lý rác ở mức sơ sài là chôn lấp hoặc đốt nên sự ô nhiễm dễ dàng nhận thấy. Điều đó có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, dự án khu xử lý chất thải rắn tại xã Hòa An vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bãi rác hiện hữu, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư xung quanh. Ông Dương Văn Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, cho biết: Trong khi chờ khu xử lý chất thải rắn tại xã Hòa An đi vào hoạt động, tạm thời giải quyết nơi chứa rác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương, công ty đã kiến nghị mở rộng bãi rác thị trấn Kinh Cùng và thị xã Long Mỹ, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép công ty làm chủ đầu tư mở rộng diện tích của hai bãi rác này. Mặc dù tỉnh đã cho chủ trương, công ty đã hoàn tất phương án mở rộng từ lâu, nhưng do không có vốn nên chưa thể thực hiện dự án.
Ông Ong Phước Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, cho biết: hiện nay vấn đề xử lý rác của Hậu Giang là vấn đề rất cấp bách và gây nguy hại cho môi trường, vì tỉnh chưa có đầu tư một khu xử lý chất thải tập trung. Vừa qua, tỉnh cũng đã mời VWS tham gia đầu tư một khu liên hợp xử lý chất thải với quy mô 40ha, tiếp nhận 300 tấn rác/ngày tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Hiện tại, khu này chỉ đang trong quá trình đầu tư hạ tầng bao gồm đường dẫn và cầu. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tiến hành khảo sát theo kết luận của UBND tỉnh, qua xem xét, chỉ có bãi rác ở thị xã Long Mỹ là đủ điều kiện mở rộng, trên cơ sở đó, trước mắt, ngành sẽ đề xuất UBND tỉnh thống nhất mở rộng bãi rác này và nguồn vốn sẽ được bố trí vào năm 2016. Đồng thời, ngành sẽ tạo mọi điều kiện để rút ngắn tiến trình hợp tác với nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa các hạng mục chủ yếu của dự án khu xử lý chất thải rắn tại xã Hòa An đi vào khai thác.
Báo Hậu Giang