Đến xóm dân tộc Chăm tại ấp Tân Phú (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cảm nhận đầu tiên là sự thay đổi rõ nét từ những căn nhà xây kiên cố, đến con đường bê tông xi măng khang trang. Cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân vùng quê nghèo với tên gọi quen thuộc là “xóm Chàm” đã thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Nỗ lực vượt khó
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, cuộc sống đồng bào Chăm ở ấp Tân Phú đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ một xóm hầu hết là hộ nghèo, đường đất, không điện, đến nay không còn hộ nghèo, đường giao thông đã được bê tông hóa bằng phẳng, thanh niên đều có việc làm thường xuyên, ổn định.
Gia đình ông Chàm Sa Hot là một trong hai hộ đầu tiên đến sinh sống trên mảnh đất này từ năm 1992. Ông kể, hơn 20 năm qua đời sống của hàng chục hộ dân nơi đây không ít khó khăn, chỉ đi làm thuê, làm rẫy, hái măng rừng…, để trang trải sinh hoạt từng ngày. Nhà ở chủ yếu làm bằng tranh tre, vách nứa. Ông Chàm Sa Hot cho biết: Trước đây, xóm Chăm chưa có điện nên đời sống, sinh hoạt, con cháu học tập và sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, những con đường đất đầy bụi vào ngày nắng, lầy lội vào ngày mưa đã ảnh hưởng đến đời sống, cũng như phát triển kinh tế.
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn chăm chỉ lao động, nuôi đàn dê để có thêm thu nhập phụ cho gia đình mỗi năm từ 20 - 25 triệu đồng. Thu nhập trong nhà chủ yếu nhờ vào con trai và con rể đi làm công nhân cạo mủ sao su từ 15 - 20 triệu/tháng. “Tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ làm căn nhà, hỗ trợ vốn sản xuất nên đã thoát nghèo. Gia đình tôi luôn có gắng làm ăn để thu nhập ngày càng tốt hơn, lo con cháu được đến trường và đầy đủ hơn”, ông Chàm Sa Hot chia sẻ thêm.
Với ông Chàm Sen, từ khi được Nhà nước xây nhà kiên cố, gia đình ông đã không còn là hộ nghèo. Nguồn thu của cả nhà ông Sen chủ yếu dựa vào việc cạo mủ thuê với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ông Chàm Sen cho biết: “Tôi sinh sống tại ấp 6 đã gần 20 năm. Hầu hết người dân nơi đây không có hoặc ít đất sản xuất. Những năm trước chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh, cái nghèo vẫn đeo mãi. Từ khi đi cạo mủ cao su cho tư nhân nên thu nhập ổn định hơn. Đặc biệt, nhờ Nhà nước hỗ trợ nhà xây nên đã giúp tôi không còn phải lo chạy về nhà mỗi khi trời đổ mưa”.
Từ nỗ lực bản thân, Nhà nước xây căn nhà kiên cố, gia đình ông Sen nay đã thoát nghèo. Ngoài ra, ông Sen còn nuôi thêm đàn vịt, trồng rau, trồng cây ăn trái sau nhà để có thêm thu nhập. Theo ông Sen, cuộc sống khó khăn gia đình đã trải qua nên bây giờ có Nhà nước hỗ trợ, phải cố gắng lao động hơn. Ngoài được chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở, việc chăm lo trong những ngày lễ, Tết đã giúp gia đình ông Sen, cũng như bà con nơi đây vui mừng, phấn đấu tích cực lao động để cuộc sống càng ngày ổn định hơn.
Có 47/56 hộ dân của xóm đồng bào Chăm được chính quyền địa phương các cấp, đơn vị quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, không còn nhà tạm, dột nát. Không chỉ hộ gia đình ông Chàm Sa Hot, Chàm Sen, hầu hết người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định hơn. Trong gia đình đều có tivi, xe máy…, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần, cũng như sản xuất.
Động lực thoát nghèo, ổn định đời sống
Vùng quê nghèo với tên gọi thân quen của người sống ở địa phương là “xóm Chàm”- xóm của dân tộc Chăm sinh sống nay đã khởi sắc. Thể hiện rõ nhất, những tuyến đường chính vào xóm của đồng bào sinh sống trước kia đất đỏ nắng bụi, mưa bùn nay đã được UBND xã quan tâm, đầu tư láng nhựa, với tổng chiều dài 1,7km. Ngoài ra, xã còn đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng từ ngã 3 xóm Chàm đến nhà thờ thánh đường, chiều dài 220m. UBND xã còn đầu tư xây dựng cầu liên hợp vào ấp đồng bào Chăm ấp Tân Phú với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng đồng.
Năm 2015, chính quyền xã Thuận Phú còn phối hợp Điện lực khảo sát đầu tư xây dựng tuyến đường điện hạ thế vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số Chăm để thoát cảnh tối tăm.
Hiện nay, ngoài những căn nhà kiên cố, khang trang, UBND xã Thuận Phú phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Phú quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho 27 hộ vay phát triển sản xuất. Ông Chàm Sa, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số xã Thuận Phú cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân nơi đây có cầu dân sinh, xây dựng đường điện, các tuyến đường để kết nối với vùng đồng bào chăm ổn định cuộc sống. Những nhà tình nghĩa, nhà tình thương được xây dựng đã giúp các hộ khó khăn không còn trong nhà tạm dột nát nữa. Có nhà ở kiên cố, những hộ nghèo yên tâm lao động, sản xuất thoát nghèo bền vững.
Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Phú Trần Đình Thìn, trước đây, đồng bào Chăm tại Tân Phú gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp, giải pháp nguồn lực để hỗ trợ cho bà con để vươn lên thoát nghèo, phát triển đời sống từng ngày. Hiện nay, đồng bào Chăm không còn hộ đói, hộ nghèo.
“Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, ý thức của người dân chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nên hiện nay đời sống của đồng bào Chăm đã thay đổi rất rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục phát triển kinh tế trong đồng bào chăm ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Trần Đình Thìn cho biết thêm.
Vùng quê nghèo khởi sắc mang lại nhiều niềm vui mới cho xóm đồng bào Chăm, cũng như chính quyền địa phương. Với sự nỗ lực của từng hộ gia đình, cùng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã tạo “đòn bẩy” giúp đời sống người dân từng bước ổn định, thoát nghèo bền vững.
K GỬIH