Thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt, cực đoan, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, việc thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu được chủ động hơn, hướng tới tính chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Để tìm hiểu về những giải pháp cấp thiết trước mắt và lâu dài trong công tác phòng, chống thiên tai trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai về vấn đề này.
* Trước thềm kỷ niệm 4 năm Ngày thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai (18/8/2017-18/8/2021), trong đó có gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19, xin ông đánh giá kết quả đạt được?
- Trước diễn biến thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường khốc liệt, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 26/2017/QĐ-TTg thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm kịp thời cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng thiên tai, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện Quyết định số 26/2017/QĐ-TTg, Tổng cục Phòng, chống thiên tai chính thức được thành lập ngày 18/8/2017 và lấy ngày 18/8 hàng năm làm ngày truyền thống. Trong 4 năm qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai luôn quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống thiên tai như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020; Nghị định 66/NĐ-CP, ngày 6/7/2021 quy định chị tiết một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 78/NĐ-CP về Quỹ phòng chống thiên tai...
Công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Lần đầu tiên, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trước đó, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành nhiều Nghị quyết, Công điện chỉ đạo về việc phòng ngừa thiên tai, đặc biệt là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng, chống thiên tai.
Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/QĐ-TTg lấy tuần lễ từ ngày 5-22/5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Đồng thời, ban hành các chiến lược, đề án quan trọng trong phòng, chống thiên tai như: Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030…
Điểm “sáng” trong kiện toàn pháp luật được ban hành thời gian qua đã tháo gỡ được các nút “thắt" trong công tác nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, trong đó có việc bổ sung, chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai - lực lượng ứng phó ngay từ giờ đầu (bảo hiểm, chế độ tiền lương, tiền công khi được huy động…); quy định đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp; mua sắm vật tư, phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong phòng chống thiên tai... Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định cho phép giao hoặc chỉ định thầu các dự án khắc phục hậu quả thiên tai; quy trình hỗ trợ di dời dân khẩn cấp đảm bảo kịp thời, an toàn cho người dân vùng rủi ro thiên tai cao…
Nội dung phòng, chống thiên tai được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai), Bộ Quốc Phòng (Cục Dân quân tự vệ, Cục Cứu hộ, cứu nạn), Bộ Công An (Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương...
Mặc dù ngân sách gặp nhiều khó khăn do phải tập trung nguồn lực để phòng, chống và tiếp tục phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, nhưng Đảng và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm, đầu tư đặc biệt cho hệ thống công trình phòng, chống thiên tai như: Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long WB9; các công trình phòng, chống xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long; các dự án cải tạo, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão...
Việc thực hiện phương châm bốn tại chỗ được phát huy và đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đã bước đầu được củng cố kiện toàn theo chỉ đạo của Chính phủ và hoạt động rất hiệu quả, điển hình là hoạt động của lực lượng xung kích trong đợt mưa lũ, sạt lở đất tháng 10/2020 tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Ngày 9/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chóng thiên tai cấp xã.
Trong công tác phòng, chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng ban hành các công điện, đồng thời tổ chức các đoàn công tác, triển khai lực lượng tại các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai, tập trung tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, đề xuất hỗ trợ kịp thời các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai. Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng trực tiếp đến khu vực bị ảnh huởng của thiên tai để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, các công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai có nhiều tiến bộ; việc xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các kịch bản cụ thể được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng được tăng cường; ứng dụng khoa học công nghệ phát huy hiệu quả; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai… góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo điều hành công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong bối cảnh dịch COVID-19 được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với “thảm họa kép” khi nguy cơ thiên tai lớn xảy ra tại các khu vực dịch COVID-19 đang hoành hành. Trong tình huống đó, sẽ là thách thức lớn đối với việc đảm bảo an toàn tại các khu sơ tán tập trung, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan tại địa phương để đạt được mục tiêu kép phòng chống thiên tai và phòng dịch. Bên cạnh đó, tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp cận hiện trường, chỉ huy, chỉ đạo ứng phó cũng như phối hợp cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tại một số địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, quyết liệt, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm, nhận thức hạn chế, còn chủ quan, lúng túng, bị động trong ứng phó thiên tai; chưa chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Có những địa phương, khi thiên tai xảy ra, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chưa bám sát địa bàn phân công, nắm tình hình để phối hợp chỉ đạo, kiểm tra và báo cáo kịp thời về Ban chỉ đạo. Một số địa phương ven biển, khi có bão vẫn để người dân ở lại trên lồng bè gây nguy cơ mất an toàn và khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Có những khu vực, lực lượng chức năng chưa kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn người dân khi đi qua các ngầm, đường qua suối, những tuyến đường bị ngập mà vẫn chủ quan để người dân vớt củi trên sông khi có lũ.
Công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai còn lúng túng, chậm, thiếu nguồn lực, thủ tục rườm rà, kéo dài. Quy định về hoạt động quyên góp, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân còn thiếu chặt chẽ, một số trường hợp không phối hợp với chính quyền địa phương dẫn đến chưa đảm bảo công bằng hoặc tạo ra dư luận trái chiều, thậm chí gây tổn hại tinh thần, mất đoàn kết tại khu vực bị thiệt hại do thiên tai.
Việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại địa phương quản lý về xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện còn bất cập: Nhiều công trình chưa chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong xây dựng nên đã dẫn đến sự cố như sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) làm 17 người chết, mất tích. Một số thủy điện chưa tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa và lệnh của cấp có thẩm quyền làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho công trình và hạ du (thủy điện Thượng Nhật, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa với tốc độ cao và sự mở rộng các khu công nghiệp, khu dân cư không được lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai nhất là các địa phương dọc ven biển nên khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ xảy ra thiệt hại… Sức chịu đựng của một số công trình; trang thiết bị chuyên dùng trong phòng chống thiên tai mặc dù đã có nhiều cố gắng, xong chưa đáp ứng được yêu cầu khi có thiên tai, đặc biệt là thiên khốc liệt với cường độ lớn.
* Tháng 8 hàng năm được xem tháng bắt đầu bước vào mùa mưa bão, với tư cách là Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông có thể cho biết Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có những giải pháp cấp thiết gì trước mắt cũng như lâu dài đối với công tác phòng, chống thiên tai khi thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
- Để sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 đề nghị rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời, ngày 15/7 và ngày 22/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức các hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 với trên 1.200 điểm cầu tham dự. Cùng với đó, ngày 4/8/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 88/TWPCTT về việc phối hợp đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19. Đồng thời, đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19; tổ chức trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có tình huống thiên tai lớn xảy ra.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép là “thiên tai - dịch bệnh“, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tập trung vào việc tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời và độ tin cậy; ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng và các cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai. Trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các loại thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai; bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ODA và nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó ưu tiên xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp, xung yếu, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là việc củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, xen kẹp, hạn chế sơ tán tập trung; Ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và nhân dân ở những nơi nguy cơ cao, khu vực cách ly có ca lây nhiễm COVID-19; chuẩn bị những vật dụng cần thiết trong trường hợp phải đi sơ tán; chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành y tế lúc đi chuyển về nơi sơ tán; chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone; báo ngay cho cán bộ hướng dẫn, quản lý nếu xảy ra tình trạng ho, sốt, mất vị giác; rửa tay bằng xà phòng trước khi đi và khi đến địa điểm sơ tán, chỉ được rời khỏi nơi sơ tán khi được phép... chung tay để xây dựng một Việt Nam an toàn hơn trước thiên tai và dịch COVID-19.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Thắng Trung - Ngọc Hà (thực hiện)